Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện Luật Giáo dục 2019”

Luật Giáo dục (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Để Luật Giáo dục 2019 được tổ chức thi hành hiệu quả, cần nghiên cứu hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật nhằm nhận diện những nội dung mâu thuẫn hoặc không phù hợp với Luật Giáo dục 2019 để sửa đổi, bổ sung hoặc loại bỏ.

Tin liên quan: Các cơ quan thông tấn báo chí đưa tin về Hội thảo

Với mục đích tạo ra diễn đàn cho những nhà khoa học, cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên và chuyên gia trình bày các kết quả nghiên cứu, bình luận, đánh giá và đề xuất một số kiến nghị về việc ban hành mới hoặc việc sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản dưới luật về giáo dục hiện nay, sáng ngày 22/11/2019 tại Hội trường A1002 cơ sở Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Luật TP. HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật để triển khai thực hiện Luật Giáo dục năm 2019”. Hội thảo cũng nằm trong khuôn khổ thực hiện Đề tài NCKH cấp Nhà nước “Nghiên cứu luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục” do Trường Đại học Luật TP.HCM là đơn vị tổ chức chủ trì và PGS.TS. Bùi Xuân Hải làm Chủ nhiệm đề tài.


Hội thảo thu hút sự tham dự của nhiều chuyên gia trong và ngoài Nhà trường

Đến tham dự hội thảo, có sự hiện diện của nhiều nhà quản lý, chuyên gia về giáo dục như: PGS.TS Ngô Kim Hồng – Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm TP.HCM, PGS.TS Ngô Văn Thuyên – Chủ tịch Hội đồng trường – Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Mở Hà Nội, bà Nguyễn Thị Thanh Xuân – Hiệu trưởng hệ thống trường Việt –Úc, ThS. Nguyễn Thị Hồng Vân – Phó Phòng Thanh tra - Pháp chế Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia TP.HCM, ông Dương Minh Kiêm – Phó Chủ tịch Hội Luật gia quận Gò Vấp, ông Đặng Văn Yêm – Phó Chủ tịch Hội Luật gia huyện Củ Chi; Trưởng, Phó Phòng giáo dục của một số quận, cùng đại diện các trường Đại học Quốc tế Sài Gòn, Đại học Công nghệ miền Đông, Đại học Phenikaa và đại diện nhiều Hội Luật gia, Hội khuyến học thuộc các quận, huyện trên địa bàn TP.HCM.

Về phía đại diện trường Đại học Luật TP.HCM, Hội thảo có sự tham gia của PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng uỷ, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM và các Thành viên chủ chốt của Nhóm nghiên cứu đề tài như PGS.TS Nguyễn Văn Vân – Nguyên Trưởng khoa Luật Thương mại, TS, Ngô Hữu Phước – Phó trưởng khoa Luật quốc tế, PGS.TS Đỗ Minh Khôi – Trưởng Bộ môn Lý luận Nhà nước và Pháp luật, TS. Thái Thị Tuyết Dung – Trưởng bộ môn luật hành chính, TS. Lê Thị Thúy Hương – Trưởng phòng NCKH &HTQT cùng lãnh đạo và một số giảng viên thuộc các khoa trong trường và đông đảo sinh viên có quan tâm.


Chủ tọa phiên thảo luận thứ nhất (từ trái qua): PGS.TS Đỗ Minh Khôi, PGS.TS Ngô Văn Thuyên, PGS.TS Bùi Xuân Hải, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng

Mở đầu Hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trường Nhà trường chia sẻ: “Vào ngày 14/06/2019 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục sửa đổi, thay thế cho Luật Giáo dục năm 2005 […]. Trong Luật Giáo dục sửa đổi lần này có ghi nhận một loạt các cải cách với nhiều quy định mới về hệ thống giáo dục quốc dân, về cơ sở giáo dục ngoài công lập, quản trị nhà trường, chế độ tài chính của các cơ sở giáo dục, các chế độ, chính sách đối với nhà giáo,... Nhằm thực thi có hiệu quả Luật Giáo dục năm 2019, còn rất nhiều việc cần phải làm, mà một trong số đó là việc  sửa đổi, bổ sung và ban hành mới một loạt các văn bản dưới luật […]”.


PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo gồm có 02 phiên:

Phiên thứ nhất được chủ trì bởi PGS.TS Bùi Xuân Hải, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, PGS.TS Ngô Văn Thuyên, PGS.TS Đỗ Minh Khôi với ba bài tham luận tập trung vào các vấn đề sau:

- Những điểm mới của Luật Giáo dục năm 2019 của TS. Thái Thị Tuyết Dung, ThS. Trần Thị Ánh Minh;

- Các rào cản trên con đường tự chủ đại học (khảo sát dưới phương diện pháp lý) của PGS.TS Nguyễn Văn Vân, ThS. Trần Thị Hương;

- Triển khai quy định về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa trong Luật Giáo dục năm 2019 của PGS.TS Đỗ Minh Khôi.


TS. Thái Thị Tuyết Dung trình bày những điểm mới của Luật Giáo dục năm 2019

Đối với phiên thảo luận đầu tiên, các chuyên gia cho biết, Luật Giáo dục năm 2019 có nhiều sự thay đổi, chẳng hạn như mục tiêu giáo dục sẽ nhấn mạnh yếu tố “sáng tạo cá nhân” và “phát huy năng lực cá nhân”; làm rõ khái niệm, nguyên tắc, cơ chế liên thông, phân luồng và hướng nghiệp trong giáo dục thông qua Điều 9, Điều 10 Luật Giáo dục năm 2019; công nhận văn bằng chứng chỉ do các cơ sở giáo dục thuộc các loại hình đào tạo trong hệ thống giáo dc quốc dân có giá trị pháp lý như nhau;...


PGS.TS. Nguyễn Văn Vân trình bày các góp ý liên quan đến những rào cản trên con đường tự chủ đại học

Ngoài ra, PGS.TS Nguyễn Văn Vân khi phân tích các rào cản trong việc tự chủ đại học đã nhắc đến thực trạng các luật chuyên ngành tại Việt Nam thiếu những quy định mang tính đặc thù cho cơ sở giáo dục, dẫn đến tình trạng xung đột pháp luật khi áp dụng tự chủ đại học trong thực tế.

Đồng thời, câu chuyện hội nhập – giao thoa văn hóa trong thời đại hiện nay đòi hỏi chương trình giáo dục phổ thông cũng như nội dung sách giáo khoa phải được chắt lọc, thay đổi để học sinh thích nghi được với các biến động từ tình hình thế giới nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng.

Phiên thứ hai được chủ trì bởi PGS.TS Bùi Xuân Hải, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, PGS.TS Ngô Văn Thuyên, PGS.TS Nguyễn Văn Vân với ba bài tham luận xoay quanh các nội dung sau:

- Hoàn thiện các quy định pháp luật về đánh giá, phân loại viên chức trong các cơ sở đào tạo công lập của TS. Cao Vũ Minh;

- Một số kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về giáo dục đại học trong bối cảnh toàn cầu hóa của PGS.TS Nguyễn Thị Thủy, ThS. Hồ Hoàng Gia Bảo;

- Sự cần thiết trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn phân luồng, một số hành vi cấm và trách nhiệm giải trình trong Luật Giáo dục năm 2019 của ThS. Nguyễn Đức Hiếu.

Trong phiên thảo luận này, các chuyên gia đã đưa ra những bài học kinh nghiệm từ việc phân luồng giáo dục từ hệ thống giáo dục tại Phần Lan, phân tích, đánh giá một số hành vi bị cấm trong Luật Giáo dục năm 2019 như hành vi ép học sinh học thêm, việc lợi dụng, ủng hộ, tài trợ cho giáo dục bị ép buộc,... Bên cạnh đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thủy cũng đưa ra cảnh báo về vấn đề chảy máu ngoại tệ và chảy máu chất xám khi bàn luận về câu chuyện du học nước ngoài, từ đó đưa ra kiến nghị về việc các văn bản dưới luật của Luật Giáo dục năm 2019 nên tạo điều kiện cho phép các trường Đại học  nước ngoài mở các cơ sở đào tạo tại Việt Nam.


PGS.TS Nguyễn Thị Nhung – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội bày tỏ ý kiến tại Hội thảo


ThS. Hồ Sỹ Anh – Viện nghiên cứu Giáo dục Trường Đại học Sư phạm TP.HCM đóng góp ý kiến tại Hội thảo

Qua 02 phiên thảo luận, các chuyên gia đã tiến hành trao đổi, tranh luận sôi nổi về chỉ tiêu phân luồng, quy chế tài chính trong các đơn vị sựnghiệp công lập, các vấn đề liên quan đến việc soạn thảo, biên tập sách giáo khoa,...


Hội thảo kết thúc cùng những đóng góp tích cực từ các chuyên gia trong và ngoài Nhà trường

Trong lời phát biểu kết luận và kết thúc hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường tổng kết lại các ý kiến đóng góp trong hai phiên thảo luận từ các chuyên gia, giảng viên trong và ngoài Nhà trường cho vấn đề hoàn thiện hệ thống văn bản dưới luật nhằm phục vụ cho nhiệm vụ thực thi của Luật Giáo dục năm 2019. 

Bài: Thu Hiền, Thu Hương

Ảnh: Phương Linh, Lệ Huyền

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top