Hội thảo khoa học “Biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự Việt Nam” sẽ diễn ra vào ngày 03/10/2020

1. Lý do và mục đích tổ chức hội thảo

Biện pháp cưỡng chế nói chung (bao gồm biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế) là một chế định quan trọng trong luật tố tụng hình sự Việt Nam. Mặc dù hạn chế hoặc tước bỏ một số quyền con người, quyền cơ bản của công dân nhưng các biện pháp này lại rất cần thiết cho thực tiễn giải quyết vụ án hình sự và được áp dụng khá phổ biến. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành đã có nhiều sửa đổi, bổ sung đối với những quy định liên quan đến biện pháp cưỡng chế. Mục đích của những sửa đổi, bổ sung là nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đầy đủ hơn theo hướng chỉ sử dụng khi thật sự cần thiết trên cơ sở tuân thủ triệt để quy định về căn cứ, điều kiện, trường hợp, đối tượng, thẩm quyền, thủ tục và thời hạn áp dụng.

Tuy nhiên, qua hơn hai năm triển khai thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về biện pháp cưỡng chế đã cho thấy một số điểm chưa hợp lý, chưa toàn diện, thiếu tính đồng bộ, gây khó khăn cho thực tiễn áp dụng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, đặc biệt là người bị buộc tội. Những hạn chế này đã được chỉ ra trong một vài công trình nghiên cứu với nhiều hình thức và quy mô khác nhau. Thế nhưng từ khi Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 có hiệu lực toàn phần cho đến nay thì chưa có một hội thảo khoa học nào tại các cơ sở đào tạo luật ở phía Nam nghiên cứu, trao đổi toàn diện và chuyên sâu về những hạn chế này. 

Vì những lý do trên, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh tổ chức một hội thảo khoa học cấp trường với chủ đề: “Biện pháp cưỡng chế trong tố tụng hình sự Việt Nam”. Hội thảo được thực hiện nhằm tạo diễn đàn học thuật để các giảng viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh, chuyên gia pháp luật và những người làm công tác thực tiễn trao đổi chuyên môn, củng cố và bổ sung kiến thức phục vụ cho việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập và công tác chuyên môn. Các mục tiêu cụ thể của hội thảo bao gồm:

  • Phân tích và đánh giá những quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và văn bản hướng dẫn thi hành về các biện pháp cưỡng chế; thực tiễn áp dụng những biện pháp này;
  • Xác định nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong thực tiễn áp dụng các biện pháp cưỡng chế tố tụng hình sự;
  • Đề xuất các giải pháp hoàn thiện và bảo đảm thực hiện quy định của pháp luật tố tụng hình sự về các biện pháp cưỡng chế.

2. Nội dung của hội thảo và tham luận

2.1. Nội dung của hội thảo

Hội thảo tập trung nghiên cứu và thảo luận các nhóm vấn đề sau đây:

  • Thứ nhất, quy định và thực tiễn áp dụng các biện pháp ngăn chặn (giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh);
  • Thứ hai, quy định và thực tiễn áp dụng các biện pháp cưỡng chế (áp giải, dẫn giải, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản);
  • Thứ ba, quy định và thực tiễn tiến hành các hoạt động điều tra mang tính cưỡng chế như: khám xét, thu giữ, tạm giữ tài liệu, đồ vật.

2.2. Tham luận của hội thảo

Đến thời điểm hiện tại BTC Hội thảo đã nhận được 15 tham luận là những bài viết có chất lượng khoa học tốt được thực hiện bởi giảng viên Khoa luật hình sự; sinh viên cao học, nghiên cứu sinh chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự; giảng viên Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bạc Liêu.

3. Thành phần tham dự hội thảo

Ngoài giảng viên Khoa luật hình sự; sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh thuộc chuyên ngành Luật hình sự và tố tụng hình sự; các cán bộ, giảng viên, học viên khác; Hội thảo còn có sự tham dự của các khách mời là những chuyên gia pháp luật, lãnh đạo cơ quan tư pháp tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam (Phú Yên, Bình Thuận, Bạc Liêu,...), Bộ Công an, đại điện Trường Đại học Cảnh sát nhân dân, Trường Đại học An ninh nhân dân, Trường Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại TP. Hồ Chí Minh, Hội luật gia TP. Hồ Chí Minh, các luật sư nổi tiếng,...

4. Thời gian và địa điểm tổ chức hội thảo

  • Thời gian: thứ Bảy, ngày 03/10/2020 (bắt đầu lúc 7h45)
  • Thời lượng: 01 buổi
  • Địa điểm: Hội trường A1002, Cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh

Ban Tổ chức tin chắc hội thảo sẽ là một diễn đàn trao đổi học thuật rất hữu ích. Ban tổ chức rất hân hạnh được đón tiếp Quý vị đại biểu đến tham dự. Vui lòng đăng ký qua email: vnmhanh@hcmulaw.edu.vn hoặc lhtduy@hcmulaw.edu.vn 

--%>
Top