Buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính của NCS. Trần Thị Thu Hà

Vào sáng ngày 07/10/2022, tại phòng họp A.905, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường với chủ đề “Chế định Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam” của NCS. Trần Thị Thu Hà, chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.

Hội đồng đánh giá luận án bao gồm: GS.TS. Thái Vĩnh Thắng, Trường Đại học Luật Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng; TS. Nguyễn Mạnh Hùng, Trường Đại học Luật TP.HCM - Uỷ viên thư ký; PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội - Phản biện 1, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm, Trường Đại học Luật TP.HCM - Phản biện 2; TS. Lê Thị Hồng Nhung, Trường Đại học Mở TP.HCM - Phản biện 3; PGS.TS. Đỗ Minh Khôi, Trường Đại học Kinh tế - Luật - Uỷ viên hội Đồng và TS. Đặng Tất Dũng, Trường Đại học Luật TP.HCM - Uỷ viên Hội đồng.

Toàn cảnh buổi bảo vệ luận án tiến sĩ cấp trường với chủ đề “Chế định Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam” của NCS. Trần Thị Thu Hà

Mở đầu phiên làm việc, Hội đồng đánh giá luận án tiến sĩ đã tiến hành thông qua các biên bản và thủ tục của buổi bảo vệ luận án. Tiếp theo, NCS. Trần Thị Thu Hà đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu của mình về đề tài: “Chế định Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam”, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải nghiên cứu đề tài, mục đích nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và những đóng góp mới, nổi bật của luận án. 

NCS. Trần Thị Thu Hà tóm tắt những vấn đề trọng tâm của công trình nghiên cứu, từ đó đưa ra những kiến nghị mang tính xây dựng cho chế định Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam

Sau phần trình bày của NCS. Trần Thị Thu Hà, PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Phản biện 1 nhận định rằng đây là một chuyên khảo sâu sắc, toàn diện và cập nhật về chế định Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam, kiến giải cặn kẽ, khoa học các vấn đề thuộc nền tảng lý luận - pháp lý của chế định Thủ tướng Chính phủ, đánh giá công phu thực trạng pháp luật và thực trạng thực hiện pháp luật về Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam hiện nay, trên cơ sở đó đề xuất được những giải pháp phù hợp, có tính khả thi nhằm hoàn thiện chế định này. PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh đánh giá cao việc NCS. Trần Thị Thu Hà sử dụng bài bản và hiệu quả phương pháp phỏng vấn chuyên gia. Đồng thời, Uỷ viên phản biện 1 cũng chỉ ra những điểm cần được làm rõ hơn để có thể mở rộng góc nhìn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thủ tướng trong cơ cấu tổ chức quyền lực nhà nước ở Việt Nam.

PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh - Phản biện 1 đánh giá cao các phương pháp nghiên cứu đã được NCS. Trần Thị Thu Hà sử dụng. 

Đồng ý với nhận xét của PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Phản biện 2 nhấn mạnh luận án là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống và toàn diện về chế định Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam. Đây là một trong những đề tài mới mẻ, có nội dung phong phú, phức tạp, đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành. Tuy nhiên, NCS. Trần Thị Thu Hà đã giải quyết vấn đề khá mạch lạc, hấp dẫn, có nhiều phát hiện mới, nhiều lập luận sắc sảo. Tác giả đã đánh giá thực trạng chế định Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam trên hai phương diện quy định pháp luật và thực hiện pháp luật một cách khách quan, khoa học, công phu. NCS. Trần Thị Thu Hà thể hiện sự tích cực, chủ động, tinh thần say mê nghiên cứu trong việc tự khảo sát, tổng hợp các số liệu từ các nguồn thông tin được cung cấp chính thức bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, do vậy những điểm hạn chế và bất cập trong chế định của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam được tác giả phân tích, chứng minh thuyết phục. Tuy nhiên, PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm cũng lưu ý NCS. Trần Thị Thu Hà cần có cách tiếp cận theo quan điểm lịch sử rõ ràng và nổi bật hơn. 

PGS.TS. Vũ Văn Nhiêm - Phản biện 2 nhận định rằng tác giả luận án đã có những luận điểm thuyết phục khi đánh giá những hạn chế và bất cập còn hiện hữu trong chế định Thủ tướng Chính phủ Việt Nam

Đến với phần phản biện thứ 3, TS. Lê Thị Hồng Nhung cho rằng luận án có nội dung phong phú, hấp dẫn, bám sát lý thuyết nền tảng, đưa ra được những đánh giá mang tính đa chiều và khách quan, đáp ứng cao các yêu cầu đặt ra đối với một luận án Tiến sĩ luật học, là tài liệu tham khảo có giá trị cho những người nghiên cứu về Luật Hiến pháp – Luật Hành chính. Các giải pháp được trình bày trong luận án thiết thực, có tính khả thi. Bên cạnh đó, TS. Lê Thị Hồng Nhung cũng mong muốn NCS. Trần Thị Thu Hà đề cập sâu sắc hơn đến mối liện hệ giữa chế định Thủ tướng Chính phủ với thể chế chính trị ở Việt Nam. 

TS. Lê Thị Hồng Nhung - Phản biện 3 cho rằng luận án có nội dung rất thiết thực và bám sát với lý thuyết nền tảng

Kết thúc phần nhận xét, các Uỷ viên phản biện và các thành viên khác của Hội đồng đã lần lượt đặt câu hỏi nhằm kiểm tra và đánh giá kiến thức chuyên môn cũng như kiến thức thực tiễn của tác giả luận án. NCS. Trần Thị Thu Hà đã có phần trình bày mạch lạc, tự tin, không chỉ giải đáp các câu hỏi mà còn chia sẻ thêm về những khó khăn của việc nghiên cứu đề tài “Chế định Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam” - một đề tài có tính chính trị - pháp lý sâu sắc. 

NCS. Trần Thị Thu Hà gửi gắm lời cảm ơn chân thành đến người hướng dẫn khoa học, TS. Nguyễn Đức Chính và TS. Nguyễn Thị Thương Huyền

Sau phần thảo luận riêng giữa các thành viên Hội đồng, GS.TS. Thái Vĩnh Thắng, Trường Đại học Luật Hà Nội - Chủ tịch Hội đồng đã công bố kết luận của Hội đồng đánh giá Luận án Tiến sĩ cấp trường, trong đó đánh giá Luận án của NCS. Trần Thị Thu Hà đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một Luận án Tiến sĩ Luật học, khẳng định Luận án là một công trình khoa học công phu và có chất lượng cao, đề nghị Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM công nhận học vị Tiến sĩ Luật học cho NCS. Trần Thị Thu Hà. Cả 7 thành viên Hội đồng đều nhất trí đánh giá Luận án “Chế định Thủ tướng Chính phủ ở Việt Nam” của NCS. Trần Thị Thu Hà ở mức độ xuất sắc. 

Buổi bảo vệ luận án đã kết thúc thành công tốt đẹp

Nội dung: Thiên Bảo

Hình ảnh: Bảo Ngọc

Ban Truyền thông Ulaw


--%>
Top