“Ulaw Alumni Talk” số 03: Muôn nẻo đường nghề cùng Luật sư tranh tụng

Sau thành công của hai số phát sóng vừa qua, chuỗi tọa đàm “Ulaw Alumni Talk” đã liên tục nhận được nhiều phản hồi tích cực, cũng như sự ủng hộ từ các bạn sinh viên, cựu sinh viên. Với mục tiêu mang lại cái nhìn khái quát về luật sư tranh tụng cũng như những thuận lợi và thách thức mà nghề luật sư hiện nay phải đối mặt, Ban thư ký Ban liên lạc Cựu sinh viên Nhà trường phối hợp cùng với Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên đã tổ chức buổi tọa đàm số 03 vào lúc 19h00 ngày 26/09/2021 với chủ đề “Muôn nẻo đường nghề cùng luật sư tranh tụng” thông qua phòng họp trực tuyến Zoom và Livestream trên Fanpage Trường Đại học Luật TP.HCM.

Đồng hành cùng buổi phát sóng số 03 có sự góp mặt của Luật sư Nguyễn Thành Công – Luật sư điều hành Công ty Đông Phương Luật, Cựu sinh viên Khóa 17, Thành viên Ban Liên lạc Cựu sinh viên giai đoạn 2020 – 2025 và Luật sư Nguyễn Văn Cường – Luật sư sáng lập, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Cường & Cộng sự, Cựu sinh viên Khóa 18, Thành viên Ban Liên lạc Cựu sinh viên giai đoạn 2020 – 2025 cùng hơn 200 người đăng ký tham dự buổi tọa đàm.


Luật sư Nguyễn Thành Công (trái) và Luật sư Nguyễn Văn Cường (phải) đã có những chia sẻ cụ thể về những vấn đề xoay quanh nghề luật sư tranh tụng hiện nay

Mở đầu tọa đàm, Luật sư Nguyễn Văn Cường chia sẻ về một “bức tranh tổng thể” nghề luật sư tranh tụng dựa trên các khía cạnh: ý nghĩa và lịch sử hình thành; quá trình du nhập vào nước ta; sự gián đoạn cho đến 1987; và tình trạng của luật sư tranh tụng từ 1987 đến nay. Luật sư Nguyễn Văn Cường còn chỉ rõ sự khác biệt cơ bản giữa hai khái niệm Luật sư tranh tụng và Luật sư tư vấn cũng như những thuận lợi và khó khăn trên con đường hành nghề luật sư tranh tụng hiện nay.

Chia sẻ về những thuận lợi và thách thức đối với nghề luật sư hiện nay, Luật sư Nguyễn Văn Cường cho rằng thượng tôn pháp luật, hội nhập quốc tế sâu rộng và các nhu cầu quan hệ xã hội ngày càng đa dạng chính là điều kiện thuận lợi để vị thế của nghề luật sư ngày càng được nâng cao.


Những thuận lợi và khó khăn về nghề luật sư tranh tụng đã được Luật sư Nguyễn Văn Cường giải đáp ở phần đầu buổi Tọa đàm

Tiếp nối chia sẻ của Luật sư Nguyễn Văn Cường, Luật sư Nguyễn Thành Công tập trung xoay quanh trọng tâm hoạt động của nghề luật sư tranh tụng và chỉ ra vai trò tất yếu của nghề luật sư hòa cùng dòng chảy chung của thế giới. Để giải đáp cho câu hỏi: “Làm thế nào và kỹ năng nào cần có để trở thành một luật sư tranh tụng?”, Luật sư Nguyễn Thành Công cho rằng trong phạm vi hoạt động của nghề luật sư tranh tụng thì điều kiện tiên quyết chính là chúng ta phải tự trang bị cho bản thân lượng kiến thức sâu rộng tùy vào khả năng, thời gian nghiên cứu cũng như phụ thuộc vào tính chất đặc thù của hệ thống pháp luật từng quốc gia. “Kỹ năng hành nghề của một luật sư bao gồm kiến thức chuyên sâu, khả năng giao tiếp, nghiên cứu hồ sơ và thu thập chứng cứ. Và đặc biệt, chính sự tổng hòa của các kỹ năng đó sẽ tạo nên một người luật sư giỏi có chuyên môn và trình độ…” - Luật sư Nguyễn Thành Công chia sẻ.


Luật sư Nguyễn Thành Công chia sẻ về những kỹ năng cần có ở một người luật sư tranh tụng

Buổi tọa đàm trở nên sôi nổi hơn bởi liên tục có nhiều câu hỏi được đặt ra từ phía các bạn sinh viên và cựu sinh viên. Trong số đó có một vấn đề được đông đảo các bạn sinh viên quan tâm là: “Cần thời gian bao lâu để một cử nhân luật mới ra trường trở thành một người luật sư thực thụ?”. Để giải đáp cho câu hỏi này, cả hai vị luật sư đều thống nhất quan điểm rằng cần hơn 05 năm để một người luật sư trở nên cứng cáp và thậm chí có những vấn đề cần đến 10 năm mới có thể giải quyết rốt ráo mọi việc.


Buổi tọa đàm đón nhận sự hưởng ứng tích cực từ đông đảo các bạn sinh viên và cựu sinh viên

Kết thúc buổi tọa đàm, cả hai vị luật sư có lời động viên đến các bạn sinh viên rằng chính sự trải nghiệm và chủ động học hỏi sẽ là chìa khóa trui rèn những ai có định hướng theo nghề luật sư tranh tụng. Bên cạnh đó, gửi đến các bạn lời cảm ơn vì sự quan tâm, góp ý nhiệt tình của các cựu sinh viên và sinh viên Nhà trường đến chương trình ngày hôm nay. Chuỗi tọa đàm “Ulaw Alumni Talk” sẽ cố gắng ghi nhận những đóng góp cũng như tích cực tổng hợp những thắc mắc từ các bạn sinh viên để chương trình có thể sớm giải đáp thông qua các số phát sóng tiếp theo.

          Nội dung: Khánh Vy

Hình ảnh: Thảo My

Ban Truyền thông  

--%>
Top