Khóa đào tạo sinh viên luật tài năng 2021: Buổi học thứ nhất với chuyên đề “Pháp chế doanh nghiệp”

Với mục đích tạo sân chơi học thuật lành mạnh, bổ ích cho Đoàn viên, qua đó khơi dậy tinh thần học tập; phát hay tinh thần nghiên cứu khoa học, tạo dựng con đường học tập đúng đắn để xây dựng, định hướng nghề nghiệp tương lai, Khóa đào tạo “Sinh viên luật tài năng - Đồng hành cùng sinh viên trong học tập, nghiên cứu khoa học và lập thân lập nghiệp” năm 2021 đã quay trở lại và mang đến cho các bạn sinh viên nhiều cơ hội để trau dồi, học tập, trải nghiệm vô cùng thú vị và bổ ích.

Vào lúc 14h00 ngày 08/5/2021, Ban Học tập và Nghiên cứu khoa học Đoàn trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi học đầu tiên của Khóa đào tạo sinh viên luật tài năng 2021 với chuyên đề “Pháp chế doanh nghiệp”. Buổi học được triển khai thông qua nền tảng Zoom dưới sự dẫn sắt của LS. Bùi Thanh Lam - Giám đốc khối Pháp chế và Tuân thủ Ngân hàng Hàng Hải Việt Nam, Luật sư điều hành BGI & Associates LLC đã thu hút hơn 80 bạn sinh viên cùng tham gia và trao đổi. Buổi học không chỉ dành cho Top 50 học viên của khóa học mà còn mở rộng với đối tượng là các bạn sinh viên có quan tâm.

Nội dung trình bày tại buổi học đầu tiên bao gồm 04 phần chính: (i) Tốt nghiệp Luật bạn có thể làm nghề gì? Cán bộ Pháp chế (Luật sư nội bộ) là ai trong doanh nghiệp? Phân biệt cán bộ pháp chế (Luật sư nội bộ) và Luật sư của hãng luật/văn phòng luật, (ii) Các điều kiện, kỹ năng cơ bản mà Luật sư nội bộ (Cán bộ pháp chế doanh nghiệp) phải có, (iii) Các chức năng, nhiệm vụ cơ bản của pháp chế và thực tế công tác của cán bộ pháp chế tại doanh nghiệp, và (iv) trao đổi, thảo luận, đặt câu hỏi.

“Tốt nghiệp ngành Luật sẽ làm những công việc gì?” là câu hỏi mà rất nhiều bạn đặt ra kể từ khi bước chân vào đại học cho đến khi tốt nghiệp. Theo LS. Bùi Thanh Lam, cơ hội dành cho sinh viên luật khá rộng mở và đa dạng. Bạn có thể làm việc trong lĩnh vực kinh doanh, trong các cơ quan Nhà nước, cơ quan Đảng, Đoàn thể, làm việc cho các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức hành nghề tư pháp, hoặc làm công tác pháp chế doanh nghiệp (Luật sư nội bộ).

Tập trung về chủ đề chính của buổi học là pháp chế doanh nghiệp và cán bộ pháp chế/luật sư nội bộ của doanh nghiệp, LS. Bùi Thanh Lam đặt ra vấn đề phân biệt giữa thương nhân và doanh nghiệp; từ đó đi đến những phân tích chuyên sâu về các loại hình doanh nghiệp hiện nay (công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên, công ty TNHH 1 thành viên, công ty hợp danh, doanh nghiệp do cá nhân là chủ sở hữu, doanh nghiệp nhà nước) và giới thiệu những đặc điểm nổi bật của từng loại hình. Bên cạnh đó, Luật sư còn đưa ra một số điểm so sánh giữa dịch vụ pháp lý của hãng luật/ Luật sư chuyên nghiệp và dịch vụ pháp lý nội bộ (của Khối/Phòng/Ban Pháp chế), giữa “luật sư” nội bộ (pháp chế doanh nghiệp) và luật sư chuyên nghiệp (tại văn phòng/công ty luật).

LS. Bùi Thanh Lam giới thiệu những nét đặc trưng của từng loại hình doanh nghiệp

Tiếp đó, LS. Bùi Thanh Lam giới thiệu đến các bạn sinh viên về những bước tư vấn pháp luật của cán bộ pháp chế/Luật sư nội bộ của doanh nghiệp bao gồm: xác định yêu cầu tư vấn của lãnh đạo/đơn vị cho việc: (i) tư vấn pháp lý hệ thống hay (ii) tư vấn pháp lý theo vụ việc của doanh nghiệp; phân tích/ đánh giá yêu cầu tư vấn pháp lý và xác định hình thức “sản phẩm” của  loại tư vấn pháp lý đó; tìm kiếm, rà soát, thẩm định các quy định của pháp luật, các quy định nội bộ doanh nghiệp, các case tương tự…; báo cáo/trả lời/phúc đáp/tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp.

Đối với  cán bộ pháp lý/luật sư nội bộ, các kỹ năng, chuyên môn chung cần thiết có thể kể đến như tốt nghiệp đại học luật/ngành khác, có khả năng làm việc độc lập, một số kỹ năng khác như kỹ năng văn phòng: tin học, đánh máy… Bên cạnh đó, cần trang bị những kỹ năng và yêu cầu đặc thù khác như có kiến thức chung về doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; có tư duy, khả năng phân tích, đánh giá, hệ thống hóa các vấn đề pháp lý nhưng phải thực tế, gắn với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để tham mưu, tư vấn cho doanh nghiệp; có khả năng tương tác, làm việc nhóm; có kỹ năng về xây dựng, thẩm định, rà soát, đàm phán các hợp đồng phổ biến áp dụng cho hoạt động hằng ngày của doanh nghiệp và dự thảo, rà soát các văn bản nội bộ; có chứng chỉ, thẻ hành nghề luật sư; yêu cầu về tiếng anh, đặc biệt là tiếng anh pháp lý…

Xuyên suốt buổi học, các bạn sinh viên đã chia sẻ nhiều điều băn khoăn, thắc mắc và câu hỏi xoay quanh những vấn đề mà LS. Bùi Thanh Lam đặt ra. Với nhiều năm kinh nghiệm hành nghề ở cả mảng pháp chế và luật sư chuyên nghiệp, Luật sư đã mang đến cho các bạn nhiều câu chuyện, lời khuyên thú vị, hữu ích và đầy trải nghiệm. Hơn hai giờ đồng hồ cùng lắng nghe và giao lưu, học hỏi, các bạn sinh viên đã “bỏ túi” cho mình những hiểu biết căn bản về các vấn đề chung của pháp chế doanh nghiệp, từ đó chuẩn bị một tâm thế tự tin và bình tĩnh, sẵn sàng cho hành trang nghề nghiệp tương lai.

Sau hơn hai giờ đồng hồ diễn ra, các bạn sinh viên đã được lắng nghe, trao đổi, học hỏi nhiều kiến thức thú vị về pháp chế doanh nghiệp từ LS. Bùi Thanh Lam

Ban Truyền thông Ulaw

Nội dung: Anh Thư

Hình ảnh: Thảo My

--%>
Top