Chương trình Tư vấn tâm lý mùa dịch – Số thứ 4: “Chuyện khó nói - Xử lý sao?”

Sau gần hai tuần khởi động, hộp thư “Ulaw’s Caring Box” đã nhận được rất nhiều câu chuyện gửi gắm tâm tư, vướng mắc mà các bạn sinh viên đang gặp phải. Nhằm đồng hành và hỗ trợ sinh viên vượt qua những khó khăn, vấn đề trăn trở trong cuộc sống, số thứ 4 của chuỗi chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch đã trở lại với chủ đề “Chuyện khó nói – Xử lý sao?”, được phát sóng trực tiếp trên fanpage Trường Đại học Luật TP.HCM vào lúc 19h00 ngày 22/8/2021.

Chương trình có sự tham gia của các khách mời vô cùng thân thuộc với nhiều thế hệ sinh viên Ulaw: TS. Võ Trung Tín - Giảng viên, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai – Môi trường; ThS. GVC. Trịnh Anh Nguyên - Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn cùng với sự dẫn dắt của MC. ThS. Nguyễn Tấn Hoàng Hải - Giảng viên khoa Luật Dân sự.

Số thứ của chương trình: “Chuyện khó nói – Xử lý sao?” đã trở lại cùng các khách mời thân thuộc với nhiều thế hệ sinh viên Ulaw

 Tình hình dịch bệnh diễn biến căng thẳng khó tránh kéo theo nỗi lo về cơm áo gạo tiền tác động không nhỏ đến cuộc sống của sinh viên, đặc biệt là các bạn ở trọ bị “kẹt” lại TP.HCM vì giãn cách xã hội. Đây cũng chính là câu chuyện thứ nhất của một bạn sinh viên K45 gửi đến chương trình. 

Bạn thuê trọ cùng hai người bạn khác tại Sài Gòn, nhưng hai người bạn cùng phòng đột nhiên thông báo nghỉ học, trả lại phòng và lấy đi các đồ nội thất chung (bao gồm tủ lạnh). Điều này khó khăn hơn khi tình hình dịch bệnh căng thẳng, bạn không thể chuyển đi nơi khác, không thể bảo quản thực phẩm và cũng không dám báo với gia đình vì sợ tăng gánh nặng cho ba mẹ. Nỗi lo toan ấy đã khiến một sinh viên năm nhất “ngày càng tiêu cực và trầm cảm, cũng không biết phải chia sẻ với ai”.

Chia sẻ về vấn đề của bạn sinh viên trong câu chuyện đầu tiên, TS. Võ Trung Tín cho biết bạn đang phải đối mặt với ba vấn đề lớn: Thứ nhất, khó khăn về kinh tế mà cụ thể là tiền thuê trọ và phí sinh hoạt; Thứ hai, nỗi thất vọng về mối quan hệ bạn bè; Thứ ba, nỗi lo sợ trở thành gánh nặng cho gia đình. 

TS. Võ Trung Tín đã gợi ý một số giải pháp dành cho bạn: Ưu tiên hàng đầu là bạn không nên tự trách bản thân, nên giữ bình tĩnh để bắt tay giải quyết vấn đề; sau đó nên trao đổi với chủ trọ để nhận được sự chia sẻ về kinh tế; tham gia khảo sát “Thông tin về nhu cầu tìm nơi ở trọ hoặc tìm người ở ghép” và liên hệ các kênh hỗ trợ của Nhà trường như Trung tâm quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên.

TS. Võ Trung Tín - Giảng viên, Trưởng Bộ môn Luật Đất đai – Môi trường, Trường Đại học Luật TP.HCM đã xoa dịu tinh thần và đưa ra những lời khuyên hữu ích cho các bạn sinh viên 

Theo ThS. GVC. Trịnh Anh Nguyên, qua câu chuyện thứ nhất, chúng ta cần rút ra bài học về sự chủ động, đó là chủ động giải quyết trong việc giải quyết vấn đề và chủ động tìm đến sự hỗ trợ đáng tin cậy khi không đủ khả năng, để từ đó tìm được “lối thoát” cho bản thân. Không nên tự mình “gồng gánh” hay mang tâm lý tội lỗi, vì đó đều là tình huống không ai mong muốn.

 Ở mỗi một giai đoạn khác nhau sẽ có những mối lo riêng. Câu chuyện thứ hai là tiếng lòng của một bạn sinh viên chuẩn bị bước vào năm 4.

Đó là nỗi lo phải đối mặt với việc sắp tốt nghiệp và định hướng nghề nghiệp tương lai, trong khi bản thân vẫn đang lạc lối trong việc tìm ra đam mê và định vị giá trị bản thân. 

Theo ThS. GVC. Trịnh Anh Nguyên – Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn Trường Đại học Luật TP.HCM, các bạn sinh viên nên chọn lọc và tiếp nhận những thông tin tích cực để có thêm nhiệt huyết cho cuộc sống và công việc

ThS. GVC. Trịnh Anh Nguyên chia sẻ, bạn cần xét đến tính hai mặt khi đặt ra cho mình kỳ vọng về tương lai, không nên theo đuổi “bức tranh màu hồng” để rồi thất vọng mà hãy nhìn vào những vấn đề thực tế và phấn đấu đạt được những mục tiêu ngắn hạn hơn. Đồng thời, nên mở rộng các mối quan hệ và chọn lọc, tiếp nhận những thông tin tích cực, từ đó có thêm nhiệt huyết cho cuộc sống, công việc của bạn.

TS. Võ Trung Tín nhấn mạnh: “Muốn có kết quả, điều đầu tiên chúng ta phải làm là bắt đầu” và trong quá trình đó, nếu từng một lần muốn bỏ cuộc thì hãy nghĩ về lý do bắt đầu. Khi suy xét đến hai yếu tố trên, chúng ta mới đưa ra được quyết định chính xác cho bản thân mình.

Bên cạnh đó, các khách mời cũng giải đáp thêm về một số vấn đề thường gặp trong đời sống sinh viên như: áp lực đồng trang lứa, định hướng nghề nghiệp và tìm kiếm công việc, thực tập mùa dịch, cùng nhiều câu hỏi khác xoay quanh các khía cạnh cuộc sống như khó khăn tài chính những ngày giãn cách xã hội. 

 Câu chuyện cuối cùng đến từ một bạn sinh viên đang “chật vật” xoay sở cuộc sống trong chính ngôi nhà của mình. Áp lực từ chính gia đình liệu có thể dễ dàng xoá bỏ?

Do hoàn cảnh đặc biệt của ba mẹ, gia đình đối với bạn không còn là hậu phương vững chắc mà ngược lại, lại đặt lên vai bạn những gánh nặng cả về mặt vật chất lẫn tinh thần. Thậm chí bạn gần như tuyệt vọng và cảm thấy “mỗi ngày, mỗi giờ mình đều đang chiến đấu với năng lượng tiêu cực đang cố gắng xâm chiếm mình”.

Đồng cảm với hoàn cảnh của các bạn, TS. Võ Trung Tín cũng không quên chia sẻ một câu chuyện cười nhằm truyền tải năng lượng tích cực và lạc quan

Chia sẻ về câu chuyện của bạn, TS. Võ Trung Tín nhắn nhủ thông điệp: “Ta không được chọn nơi mình sinh ra, nhưng ta được chọn cách mình sẽ sống”. Thế nên, những thứ không thể thay đổi, hãy bình thản chấp nhận và tin tưởng vào bản thân, bởi chính ta mới là người quyết định cuộc đời mình. Về mặt tài chính, bạn nên tìm sự hỗ trợ từ những người thân khác, Nhà trường và các quỹ hỗ trợ, tổ chức cộng đồng. Còn về tâm lý, bạn không được để bản thân chìm đắm trong năng lượng tiêu cực, nên tìm một người hay một nơi đáng tin cậy để chia sẻ, tâm sự và an ủi cảm xúc của mình.

Ngay trong số phát sóng, hai bạn sinh viên trong hai câu chuyện đầu tiên đã phản hồi và gửi lời cảm ơn thông qua hộp thư của chương trình. Trong đó, bạn sinh viên thứ nhất chia sẻ: “Hiện tại em đã chuyển trọ đến nơi tốt hơn và thoát ra khỏi những tiêu cực và khó khăn. Có thể nói, em đã tốt hơn rất nhiều ạ, giờ em có thể tự tin lan tỏa năng lượng tích cực này, em tin mọi khó khăn rồi sẽ qua, cố gắng nỗ lực thì mọi thứ sẽ ổn”. Đồng thời, bạn cũng bày tỏ sự cảm ơn đối với những hỗ trợ của thầy cô và Ban tổ chức chương trình.

Cùng với đó, Ban tổ chức đã ghi nhận rất nhiều phản hồi tích cực tại phần bình luận bên dưới livestream, bày tỏ sự cảm kích và bổ ích mà chương trình đem lại, góp phần giúp các bạn nhẹ lòng trước những khó khăn và sự cô đơn trong hoàn cảnh xa quê mùa giãn cách.

 Trải qua bốn số phát sóng với các chủ đề hết sức gần gũi và thiết thực, “Chương trình tư vấn tâm lý mùa dịch” đã chính thức khép lại, thành công hỗ trợ và đồng hành cùng Ulawers trên con đường giải tỏa áp lực và xóa bỏ những rào cản tâm lý, đồng thời tiếp thêm động lực giúp các bạn mạnh mẽ vượt qua thách thức trong mùa dịch.

👉 Với mong muốn tiếp tục mang đến cho các Ulawers một góc nhỏ tâm tình, bình yên để dừng chân nghỉ ngơi, tạm gác lại những lo toan thường nhật và lắng nghe chính mình, Trung tâm Quan hệ doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên sẽ triển khai một series Podcast “mới toanh” dựa trên sự phát triển thành công của hòm thư “Ulaw’s Caring Box” – nơi tiếp nhận vô só tâm tư, tình cảm của Ulawers. 

Podcast sẽ được phát sóng vào lúc 10h sáng thứ Bảy hàng tuần trên Fanpage Bí mật sáng thứ 7 và các nền tảng Apple Podcast, Spotify, SoundCloud. Các bạn có thể “nhắn nhủ” tâm tư của mình vào hộp thư “Ulaw’s Caring Box” hoặc truy cập fanpage “Bí mật sáng thứ 7” để tìm hiểu thêm về chương trình, cũng như gửi gắm câu chuyện của mình nhé! 

📌 Link hộp thư “Ulaw’s Caring Box: [https://bitly.com.vn/pep5f6]

Nội dung: Kiều My

Hình ảnh: Lê Tiến

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top