Đường đến tri thức dài bao xa?

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”

Sắt phải mài mới thành kim, người phải siêng năng mới tích lũy được tri thức. Đây là một lẽ thường tình ai cũng biết nhưng để hiện thực hóa được nó lại là cả một đoạn đường rất dài. Bởi lẽ không phải ai cũng có đủ sự cố gắng và  nhiệt huyết để có thể chinh phục được ước mơ của mình. Và đối với anh Lê Thanh Bình, học viên lớp văn bằng 2 hệ vừa làm vừa học (B2K7BD) Trường Đại học Luật TP.HCM, con đường học vấn vốn đầy những gian truân nay lại càng xa tắp với một khoảng cách địa lý lên đến 80km. Nhưng với tất cả niềm đam mê của mình, anh đã vừa có kỳ thi tốt nghiệp hoàn thành khóa học một cách tốt đẹp.


Là kế toán tại văn phòng công chứng ở tỉnh, anh Bình đã sớm nhận thấy tính chất công việc của mình “liên quan đến luật pháp nhiều hơn công việc kế toán”. Chính vì lẽ đó, để trau dồi kiến thức và hoàn thiện bản thân, anh đã quyết định chọn học văn bằng 2 hệ vừa làm vừa học của Trường Đại học Luật TP.HCM được tổ chức tại Trường Chính trị tỉnh Bình Dương. Và từ đó, con đường đến trường dài đằng đẵng 80km từ Bình Phước đến Trường Chính trị tỉnh Bình Dương của anh cũng bắt đầu.

Mỗi chiều thứ 6, khi đồng hồ điểm 17 giờ, đối với nhiều người đây chính khoảng thời gian để nghỉ ngơi sau một tuần làm việc đầy căng thẳng và mệt mỏi để về với gia đình, bạn bè nhưng đối với anh Bình đây mới chính là lúc anh chinh phục hành trình đến với tri thức. Anh Bình đã luôn dành trọn vẹn 3 buổi tối cuối tuần của mình để đến lớp, và hơn hết dù bận rộn hay mệt mỏi anh cũng chưa bao giờ nghỉ học. Chị Nga, bạn cùng lớp của anh Bình nhận xét: “Anh không vắng buổi học nào, dù trời có mưa, đường có xa hay bất kỳ vấn đề khó khăn nào khác”. Chị Khanh, một người bạn khác của anh cũng tấm tắc: “Anh Bình là một người siêng năng học tập, thường xuyên phát biểu trong giờ học, đi học đúng giờ và hòa đồng với mọi người”. Anh chia sẻ, khi đến lớp, anh không chỉ được truyền đạt những kiến thức mới mà xen lẫn vào đó còn có những kỷ niệm rất đáng nhớ và đầy ắp tiếng cười. Đó là kỷ niệm bên những người bạn không những đồng hành cùng anh trên giảng đường mà còn là những người bạn trong cuộc sống thường ngày. Đó là lời động viên của những thầy cô nhiệt tình, tâm huyết truyền đạt kiến thức hết sức thực tế, hữu ích và sẵn sàng hỗ trợ người học dường như mọi lúc. Tất cả những điều đó đã trở thành động lực để anh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn. Và anh cũng cho rằng mình đã “tự tin trong công việc, nhìn nhận các vấn đề liên quan đến luật pháp rộng hơn, cụ thể hơn trước đây” sau cuộc hành trình 3 năm này.


Khi nhận được câu hỏi, tại sao lại chọn Trường Đại học Luật TP.HCM để học mà không phải là một cơ sở đào tạo luật khác, anh Bình đã chân thành trả lời: “Vì sự uy tín, thương hiệu của Trường Đại học Luật TP. HCM kết hợp với thực tế tiếp xúc với những anh em, bạn bè đã tốt nghiệp các hệ đào tạo của Trường đang làm việc trong các cơ quan pháp luật tại địa phương. Họ là những con người làm việc hiệu quả, chuyên nghiệp với tư duy phản biện rất tốt và sắc sảo. Hơn nữa, ngày trước, năm 1995 khi tốt nghiệp THPT, tôi đã thi vào trường khi đó là Phân hiệu Đại học Luật nay là Trường Luật TP. HCM nhưng không đậu, thế nên sau khi đã bắt đầu dần ổn định cuộc sống và gia đình, tôi muốn thử lại lần này”. Và anh cũng chia sẻ, sau 3 năm học tập và gắn bó với trường, anh nhận ra quyết định này của mình là hoàn toàn đúng đắn. Chương trình đào tạo được thiết kế một cách vừa vặn, gắn liền với thực tế cũng như đáp ứng được tất cả các nhu cầu của công việc.  

Khi được hỏi về những kỷ niệm của mình trong suốt 3 năm qua, anh đã mỉm cười rất tươi và kể với chúng tôi về những câu chuyện của mình. “Nhớ nhất là học kỳ đầu khi cô Chế Mỹ Phương Đài lên giảng, cô không cho học viên đi trễ vào lớp, nhưng chiều thứ 6 đi làm, 17 giờ chiều mới nghỉ và phải đi 80km từ Bình Phước lên Bình Dương không kịp giờ nên cả 3 buổi thứ 6 của cô đều đi muộn, nhưng rất mừng là Cô đã hiểu và thông cảm cho tôi nên vẫn cho vào lớp”. 


Ngày 20/11 sắp đến gần, khi được hỏi về cảm xúc của anh đối với thầy cô Trường Đại học Luật TP. HCM, anh Bình chia sẻ với chúng tôi: “Anh kính trọng và quý mến tất cả thầy, cô vì đã tạo điều kiện thuận lợi để anh có thể hoàn thành cuộc hành trình tìm kiếm tri thức của mình”. Trong không khí nô nức của Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, anh muốn gửi đến những “người gieo mầm cho tương lai” lời chúc sức khỏe cũng như kính chúc quý thầy, cô sẽ luôn hừng hực ngọn lửa tâm huyết để có thể tiếp tục sự nghiệp cao quý của mình - sự nghiệp bồi đắp tri thức cho những thế hệ mới.

Con đường đến tri thức của anh Lê Thanh Bình dài 80 km, nhưng dường như đã được rút ngắn lại còn 0km bằng chính sự kiên trì và niềm đam mê học hỏi của anh. Tháng 10/2018 vừa qua anh chính thức có kết quả thi tốt nghiệp khả quan và hiện đang chờ lễ tốt nghiệp nhận bằng. Sự kiên trì và nỗ lực của anh Bình đã chứng minh: Tất lẽ, trong cuộc sống, vấn đề không phải ở việc nó khó thế nào, khoảng cách xa bao nhiêu, mà cốt lõi nằm ở câu hỏi: Bạn sẵn sàng cố gắng bao nhiêu?

 Bài viết: Hoàng Thu, Tâm Nhi

Hình ảnh: Hoàng Thu

Ban Truyền thông ULaw

Đây là bài viết nằm trong chuỗi các hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 năm 2018 của Trường Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh

Theo dõi và cập nhật thông tin liên tục tại:

https://www.hcmulaw.edu.vn/ hoặc https://www.facebook.com/hcmulaw/


 
 
 
 
 
 
 
 

--%>
Top