Hội thảo “Các vấn đề cấp thiết và cơ bản cần sửa đổi của Luật Giáo dục”

Trường Đại học Luật TP. HCM được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ Nghiên cứu các luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục năm 2005. Để thực hiện nhiệm vụ này, ngày 15/6/2018, Trường Đại học Luật TP. HCM đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Các vấn đề cấp thiết và cơ bản cần sửa đổi của Luật Giáo dục” tại phòng A.905, trụ sở số 02 Nguyễn Tất Thành, Quận 4.

Tham gia buổi Hội thảo, về phía Nhà trường, có sự góp mặt của Phó Hiệu trưởng PGS.TS. Bùi Xuân Hải (Chủ nhiệm đề tài); PGS.TS. Nguyễn Văn Vân - khoa Luật Thương mại; PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế; TS. Ngô Hữu Phước - Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế; PGS.TS. Đỗ Minh Khôi; TS. Thái Thị Tuyết Dung; TS. Cao Vũ Minh, TS. Đặng Tất Dũng, ThS. Nguyễn Nhật Khanh.

Hội thảo nhận được sự quan tâm, đóng góp ý kiến của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực giáo dục

Về phía khách mời, có sự tham dự của ông Phạm Ngọc Thanh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM; PGS.TS. Chu Hồng Thanh; TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến; PGS.TS. Võ Khắc Thường - Hiệu trưởng ĐH Phan Thiết; PGS.TS Ngô Minh Oanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục trường ĐH Sư Phạm; Cô Nguyễn Hoa Mai - Trường Dân lập Việt Úc; ThS. Hồ Sỹ Anh - Viện Nghiên cứu giáo dục trường ĐH Sư Phạm.

PGS.TS. Bùi Xuân Hải chủ trì Hội thảo đã phát biểu khai mạc nêu rõ nhiệm vụ nghiên cứu Trường được Bộ giao, nêu rõ mục đích của Hội thảo là trao đổi bàn tròn thẳng thắn giữa các chuyên gia ở trong và ngoài trường về các vấn đề cấp thiết, cơ bản cần sửa đổi của Luật Giáo dục. Phó Hiệu trưởng Bùi Xuân Hải đã nêu rõ quan điểm của Bộ Giáo dục cho phép xây dựng dự án Luật Giáo dục sửa đổi chứ không phải chỉ sửa vụn vặt một vài điều khoản.

PGS.TS. Bùi Xuân Hải (chủ trì Hội thảo) phát biểu khai mạc nêu rõ nhiệm vụ nghiên cứu mà Bộ Giáo dục & Đào tạo giao phó cho Trường Đại học Luật TP.HCM

Sau đó, các chuyên gia trong và ngoài trường đã có những phát biểu tranh luận sôi nổi về hàng loạt các vấn đề trong khuôn khổ Hội thảo. Đầu tiên, PGS.TS Chu Hồng Thanh đề xuất nên sử dụng cụm từ trong Nghị quyết TW 8 cho nhất quán: “Phát triển giáo dục là quốc sách hang đầu” thay cho cụm từ hiện nay “Giáo dục là quốc sách hàng đầu”. Tiếp theo, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến đề xuất giữ nguyên cấu trúc luật hiện nay. Cụ thể, Luật Giáo dục sửa đổi nên kế thừa Luật sửa đổi, bổ sung một số điều để phát triển. Các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung mới nên quy định thành các mục lồng vào cấu trúc đã có, hạn chế phình hẹp không cân xứng.

 Phó Hiệu trưởng Bùi Xuân Hải cho biết, Trường sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo cấp trường và cấp quốc gia về sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục năm 2005 nhằm làm luận cứ khoa học có chất lượng, thuyết phục, phục vụ công tác soạn thảo Luật của Bộ Giáo dục và đào tạo

Đi vào từng quy định chi tiết thì vấn đề trường công lập và ngoài công lập được các chuyên gia phân tích rất cụ thể. PGS.TS. Võ Khắc Thường cho rằng giữa trường công lập và ngoài công lập chưa hoàn toàn có quy định pháp lý khác biệt nhau. Từ đó, gây ra sự khó khăn trong cơ chế tự chủ hoạt động của trường ngoài công lập. Theo ông, việc quy định tương đồng giữa Chủ tịch Hội đồng trường với Chủ tịch Hội đồng quản trị là chưa hợp lý. Do đó, đề xuất nên tách hẳn trường công lập và ngoài công lập với quy chế pháp lý khác nhau. Tiền lương cũng là một vấn đề rất quan trọng. Do đó, PGS.TS. Ngô Minh Oanh đề xuất sửa đổi sao cho thể hiện được lương nhà giáo hưởng bậc lương cao nhất trong lương sự nghiệp. Ngoài ra, Hội thảo cũng nhận được những đóng góp quý báu từ phía ông Phạm Ngọc Thanh, cô Nguyễn Hoa Mai, ThS. Hồ Sỹ Anh về vấn đề mục tiêu giáo dục, hệ thống giáo dục quốc dân, các cấp, bậc học, vấn đề giáo dục mầm non, đặc biệt là vấn đề phân luồng ở bậc học trung học phổ thông, vấn đề liên thông.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, Phó Hiệu trưởng Bùi Xuân Hải cho biết Trường sẽ tổ chức các buổi thảo luận làm việc theo nhóm các vấn đề giữa các chuyên gia trong và ngoài trường. Bên cạnh đó, Trường sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo cấp trường và cấp quốc gia về sửa đổi bổ sung Luật Giáo dục năm 2005 nhằm làm luận cứ khoa học có chất lượng, thuyết phục, phục vụ công tác soạn thảo Luật của Bộ Giáo dục và đào tạo.

Nội dung: TS. Cao Vũ Minh (thành viên Ban chuyên môn)

Hình ảnh: Thủy Tiên - Ban truyền thông Ulaw

--%>
Top