Định hướng nghề nghiệp trong lĩnh vực tư pháp cho sinh viên

Livestream tư vấn hướng nghiệp “Câu chuyện nghề Tư pháp” nằm trong chuỗi các hoạt động hướng nghiệp trong lĩnh vực Tư pháp do Trường Đại học Luật TP.HCM và các đơn vị trong Khối thi đua số 9 của Sở Tư pháp TP. HCM tổ chức nhằm nâng cao hiểu biết về nghề nghiệp cho sinh viên chuyên ngành luật.

Sáng ngày 17/10 đã diễn ra tọa đàm Câu chuyện nghề nghiệp Tư pháp theo hình thức livestream với chủ đề “Tìm hiểu nghề nghiệp trong các đơn vị Báo pháp luật TP.HCM, Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng, Trung tâm bán đấu giá tài sản TP.HCM, Trung tâm dịch vụ pháp lý Nhà nước” được phát sóng trực tiếp trên Fanpage và Youtube của Trường Đại học Luật TP. HCM thu hút đông đảo sinh viên của trường và sinh viên học chuyên ngành luật trên địa bàn TP. HCM theo dõi.

Các khách mời tham dự đại diện cho các cơ quan như Báo Pháp luật TP.HCM, Trung tâm thông tin và tư vấn công chứng, Trung tâm bán đấu giá tài sản TP.HCM, Trung tâm dịch vụ pháp lý Nhà nước như gồm: Ông Nguyễn Văn Chương – Đấu giá viên – Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản; Bà Bùi Thị Công Nương – Trợ giúp viên pháp lý, Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước; Bà Lâm Quỳnh Thơ – Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng; Ông Nguyễn Văn Chương – Phó Tổng Biên tập Báo pháp luật TP.HCM; Dẫn chương trình là Th.S Nguyễn Tấn Hoàng Hải – Giảng viên Khoa Luật Dân sự Trường Đại học Luật TP.HCM.

Các vị khách mời của chương trình livestream “Câu chuyện nghề nghiệp Tư pháp – Chủ đề 01” đến từ các cơ quan liên quan đến lĩnh vực Tư pháp

Xuyên suốt chương trình livestream, các vị khách mời đã giới thiệu khái quát về đặc thù cũng như môi trường làm việc của một số cơ quan trong lĩnh vực tư pháp cũng như về cơ hội nghề nghiệp của cử nhân Luật liên quan đến các ngành nghề tư pháp trong bối cảnh hiện nay và những lời khuyên bổ ích để sinh viên có  những kỹ năng cần thiết, phù hợp với môi trường làm việc trong lĩnh vực này.

     

Bà Bùi Thị Công Nương – Phó Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước chia sẻ: “Đa phần nhân viên của Trung tâm là những người trẻ, cho nên môi trường làm việc của chúng tôi cũng mang một bầu không khí trẻ trung, sôi nổi và vô cùng năng động.”

Ông Nguyễn Văn Chương chia sẻ về tôn chỉ và mục tiêu Báo pháp luật TP.HCM trong suốt thời gian hình thành và phát triển.

Theo ông Nguyễn Thành An, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên Trường Đại học Luật TP. HCM cho biết, với cách thức tổ chức bằng livestream đã thay đổi cách tiếp cận hướng nghiệp cho sinh viên, tạo cho sinh viên tâm lý thoải mái, hứng thú hơn trong việc tìm hiểu về nghề nghiệp và việc làm sau tốt nghiệp. Thông qua các chương trình hướng nghiệp như thế này giúp cho sinh viên sớm xác định nghề nghiệp mình yêu thích và rèn luyện các kỹ năng cần thiết để có việc làm phù hợp. 

Trong thời gian tới, Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp và Hỗ trợ sinh viên của Trường sẽ tiếp tục phối hợp với Khối thi đua số 9 của Sở Tư pháp TP.HCM, gồm 7 phòng công chứng nhà nước, Báo Pháp luật TP.HCM, Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản, Trung tâm Thông tin và Tư vấn công chứng sẽ tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu nghề nghiệp trong lĩnh vực Tư pháp, cũng như chương trình livestream số 2 với chủ đề nghề công chứng và các công việc trong Sở Tư pháp. Đồng thời, Khối thi đua số 9 của Sở Tư pháp TP. HCM cũng sẽ trao tặng 15 suất học bổng cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, nỗ lực vươn lên trong học tập, mỗi suất từ 2 – 3 triệu đồng.

Nội dung: Kiều My

Hình ảnh: Ngọc Thắng

Ban Truyền Thông Ulaw

--%>
Top