Tổng thuật Hội thảo "Nâng cao hiệu quả đào tạo các lớp thuộc Chương trình Chất lượng cao"

Chương trình đào tạo Chất lượng cao: Sự khác biệt tích cực và những thách thức

Từ năm 2003, Trường Đại học Luật TP.HCM đã thông qua Quyết định 889/QĐ-CTCLC nhằm tập trung đầu tư phát triển các chương trình đào tạo đặc biệt (chương trình chất lượng cao - CLC) và đã đạt được những kết quả khả quan. Đến năm 2008, trong bối cảnh cạnh tranh trong lĩnh vực đào tạo luật ngày càng khốc liệt và sự phát triển mạnh mẽ của quá trình hội nhập quốc tế, nhà trường bắt đầu hoàn thiện và phát triển chương trình đào tạo CLC với định hướng khác biệt rõ ràng. Mục tiêu của các chương trình chất lượng cao là nhằm đào tạo ra những sinh viên tốt nghiệp đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, chuyên môn thuộc lĩnh vực được đào tạo, có kỹ năng thực hành xã hội và khả năng thích ứng, cạnh tranh cao trên thị trường lao động. Chương trình đào tạo CLC cũng được thiết kế nhằm giúp sinh viên rèn luyện các kỹ năng làm việc độc lập, làm việc nhóm, tăng cường khả năng sử dụng tốt ngoại ngữ để học tập, nghiên cứu và làm việc trong môi trường hội nhập.

Trải dài theo tiến trình đào tạo, Trường Đại học Luật TP.HCM đã dần xây dựng và hoàn thiện các Quy định về hình thức đào tạo CLC của Trường. Cùng với hệ thống các quy định này, Nhà trường cũng đã huy động tất cả các nguồn lực hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo về mọi mặt. Tuy nhiên, qua thực tiễn đào tạo, bên cạnh những thành tựu đạt được, Nhà trường cũng nhận thức rất rõ việc tiếp tục đối diện với những thách thức khách và chủ quan rất lớn. Những thách thức này tập trung trong những nội dung liên quan đến (i) Cạnh tranh trong đào tạo Cử nhân Luật; (ii) Số lượng trong mối tương quan đến chất lượng sinh viên chất lượng cao; (iii) Việc cập nhật hương trình đào tạo và tài liệu giảng dạy tiên tiến; (iv) Cải tiến phương pháp giảng dạy; (v) Đổi mới phương pháp đánh giá; (vi) Trang bị kỹ năng đầu ra cho sinh viên chất lượng cao.

Những thách thức này đã được các đại biểu tham dự Hội thảo phân tích và đóng góp ý kiến, thể hiện qua các nội dung sau đây:

- Đề xuất việc cần thay đổi hơn nữa về nhận thức: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) sẽ có những tác động rất lớn trong giáo dục, tạo ra những cơ hội về công nghệ nhưng cũng tạo ra những thách thức cho công tác GD&ĐT, đặc biệt là các hoạt động dạy và học. Người học phải được giao nhiều quyền hơn để tích cực, chủ động, kỷ luật trong việc học, cần được trang bị các kiến thức kỹ thuật số, kỹ năng liên quan, cũng như trình độ ngoại ngữ đủ để đáp ứng việc học online. Về phía Nhà trường và người thầy, CMCN 4.0 cũng sẽ tạo áp lực trong hoạt động trong hoạt động đào tạo, khi hàng loạt các hình thức đào tạo online, đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng… sẽ là xu hướng đào tạo quan trọng của tương lai.

- Cân nhắc giữ vững hoặc nâng chất lượng đầu vào: Các ý kiến đều thống nhất việc đào tạo CLC – đào tạo tinh hoa - không phải chỉ là tuyển chọn sinh viên giỏi ở đầu vào, mà còn phải đào tạo được các em từ những con người có năng lực và phẩm chất khác nhau – phải "mài giũa" được các viên ngọc thô trở thành những cá nhân “chất lượng cao”, "toả sáng" ở đầu ra. Để thực hiện được vai trò này, một số giải pháp về việc dung hoà giữa chất lượng đầu vào với tăng số lượng sinh viên theo hướng phải ưu tiên đảm bảo chất lượng đào tạo đã được đề xuất.

- Vấn đề xây dựng Chuẩn đầu ra (CĐR), chương trình đào tạo tương thích và đáp ứng CĐR: Nên tiếp cận phương thức thiết kế ngược, theo đó, Trường cân nhắc việc nghiên cứu những hình mẫu nghề nghiệp của sinh viên đại học Luật sau khi ra trường (Luật sư, Kiểm sát viên… ); hình thành những tiêu chuẩn cơ bản, chính yếu nhất, chung nhất của các hình mẫu nghề nghiệp này và xây dựng CĐR và CTĐT có khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn trên.

- Giảng dạy kỹ năng cho người học: Các chuẩn đầu ra hiện nay đều được thiết kế bao gồm 3 tiêu chuẩn quan trọng bắt buộc sinh viên phải đạt được: đó là chuẩn kiến thức, thái độ và kỹ năng. Do vậy, việc giảng dạy các môn học mang tính kỹ năng cho sinh viên nói chung và sinh viên chất lượng cao nói riêng là một việc cấp thiết nhằm giúp sinh viên đạt chuẩn về “kỹ năng” để tốt nghiệp ra trường, đồng thời còn hướng đến mục đích xa hơn là hoàn thành được mục tiêu cam kết của Nhà trường đối với xã hội về sản phẩm sinh viên phát triển toàn diện, thích nghi tốt với thực tiễn đa dạng của cuộc sống.

- Việc xây dựng và cập nhật giáo trình, tài liệu học tập: Giáo trình, tài liệu học tập phải đảm bảo được tính học thuật, tính thời sự, tính tin cậy và thường xuyên được cập nhật phù hợp với mục tiêu đào tạo. Để hiện thực hoá yêu cầu này, đòi hỏi người giảng viên phải có quyết tâm,có trách nhiệm để làm việc tích cực, thường xuyên cập nhật kiến thức tiên tiến nhất để truyền đạt cho sinh viên.

- Cần đa dạng hoá hình thức Kiểm tra đánh giá sinh viên. Các ý kiến hội thảo đã đề xuất việc đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá cũng đồng thời đề xuất việc tăng tỉ lệ phần trăm giữa đánh giá quá trình và thi kết thúc học phần ít nhất là 40/60.

- Các học phần giảng dạy bằng Ngoại ngữ chính là sự khác biệt, là điều kiện bắt buộc đặc trưng của hình thức đào tạo CLC. Đề đảm bảo chất lượng của các học phần này, vai trò của người giảng viên là điều kiện tiên quyết, theo đó người giảng viên phải không ngừng tự đào tạo và được đào tạo để nâng cao trình độ, khả năng ngoại ngữ cũng như phương pháp và kỹ năng tổ chức giảng dạy.

Phương pháp giảng dạy tích cực cần được cải tiến và phát triển hơn nữa

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo theo học chế tín chỉ, những năm gần đây, việc đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy (PPGD) là những vấn đề được Nhà trường quan tâm đặc biệt. Một số ý kiến Hội thảo có liên quan đến PPGD được ghi nhận như sau:

Thứ nhất, cần phân biệt PPGD và kỹ thuật giảng dạy: Hiện nay, trong hoạt động giảng dạy, khái niệm “phương pháp giảng dạy” và “kĩ thuật giảng dạy” đang được sử dụng rất phổ biến và có nhiều quan điểm cho rằng hai khái niệm này là tương đương và có thể thay thế cho nhau. Theo cách tiếp cận phổ biến nhất hiện nay thì “phương pháp giảng dạy” được hiểu là cách thức, là "con đường" hoạt động chung giữa giảng viên và sinh viên trong suốt quá trình dạy học nhằm đạt tới mục đích cuối cùng của buổi học. Còn "kỹ thuật giảng dạy” là những biện pháp, cách thức của giảng viên trong các tình huống nhỏ nhằm thực hiện và điều khiển quá trình dạy học.

Thứ hai, tính đa dạng của các PPGD tích cực: PPGD đóng vai trò rất quan trọng trong việc truyền đạt kiến thức cho sinh viên. Căn cứ vào tính hiệu quả trong giảng dạy mà một số PPGD được thừa nhận là các PPGD tích cực. Điểm chung của các PPGD tích cực là các phương pháp này khuyến khích sự chủ động, khả năng tự học, tự nghiên cứu và tạo ra những cơ hội để phát huy kỹ năng cần thiết của sinh viên.

Mặc dù rất phong phú và đa dạng, Các PPGD tích cực có thể được phân thành 2 nhóm chính: Nhóm các PPGD tạo điều kiện phát huy tính chủ động, tích cực tham gia của sinh viên; và Nhóm các PPGD giúp tăng cường sự trải nghiệm thực tế công việc cho sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Sẽ không thể áp dụng chỉ duy nhất một Phương pháp giảng dạy (dù là PPGD tích cực) cho cả một môn học bởi nếu điều đó diễn ra thì sẽ thật sự là một “thảm họa” cho việc nhận thức nội dung môn học của sinh viên. Nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động giảng dạy của mình, các giảng viên sẽ tự mình kết hợp các PPGD khác nhau, sau đó tiến hành “gia giảm” khối lượng các phương pháp áp dụng cho phù hợp với nội dung môn học và mục đích truyền đạt của giảng viên.

Thứ ba, sự hỗ trợ về điều kiện cơ sở vật chất, tập huấn, chế độ đãi ngộ từ Nhà trường:

Để hoàn thành trách nhiệm, công việc giảng dạy đã tạo ra không ít áp lực và thách thức cho người giảng viên, do vậy, sự hỗ trợ về điều kiện cơ sở vật chất, tập huấn, chế độ đãi ngộ từ Nhà trường là cần thiết. Sự hỗ trợ này sẽ tạo thêm những điều kiện để các giảng viên hoàn thiện mình, ngày càng giữ vững và phát huy được hình ảnh người giảng viên tâm huyết, giỏi chuyên môn, tận tụy với sinh viên, luôn chủ động tìm tòi, sáng tạo, học hỏi các phương pháp mới để nâng cao hiệu quả giảng dạy.

Đào tạo là một hành trình với sự cải tiến chất lượng không ngừng!

Những kết luận của đại diện Nhà trường trong Hội thảo được đưa ra như sau:

- Nhà trường cảm ơn và ghi nhận các ý kiến đóng góp của các chuyên gia trong và ngoài Trường. Các ý kiến được trình bày trong Hội thảo rất phong phú, hữu ích, qua đó cung cấp một bức tranh toàn cảnh về hình thức đào tạo chất lượng cao. Trong bức tranh này, các gam màu tích cực là chủ yếu, tuy nhiên vẫn tồn tại những vấn đề đòi hỏi Nhà trường phải tích cực cải tiến hơn nữa.

- Những ý kiến phân tích, đóng góp là tâm huyết, đều vì chất lượng đào tạo của Nhà trường, đều hướng đến việc đảm bảo quyền lợi cho sinh viên các hình thức đào tạo nói chung và sinh viên các lớp CLC nói riêng. Các đề xuất đều có giá trị và mang tính khả thi cao, một số ý kiến có thể được xem xét áp dụng ngay trong năm học này.

- Do thời lượng thời gian, những ý kiến của các nhà sử dụng lao động, các em sinh viên, cũng như cựu sinh viên là chưa nhiều. Nhà trường ghi nhận vấn đề này để công tác tổ chức lần sau đạt kết quả tốt hơn.

Đào tạo không có đích đến cuối cùng, đó là một hành trình luôn gắn chặt với quyết tâm "đảm bảo chất lượng" để hướng đến mục tiêu cải tiến chất lượng không ngừng. Hội thảo "Nâng cao hiệu quả đào tạo các lớp thuộc chương trình chất lượng cao" được tổ chức ngay đầu năm học mới, như là một “tín hiệu” rõ ràng, thể hiện sự cam kết mạnh mẽ về chất lượng đào tạo của Nhà trường, của các Thầy Cô với sinh viên, với xã hội. Chắc chắn sẽ còn nhiều Hội thảo chất lượng nữa được tổ chức trong thời gian tới để tạo ra những diễn đàn học thuật giá trị, qua đó cung cấp thêm thông tin, tư liệu quý giá để cải tiến không ngừng chất lượng đào tạo của Nhà trường./.

ThS. Vũ Duy Cương

Giám đốc Trung tâm ĐBCL & PPGD

8/2018

--%>
 

   Cơ sở vật chất đại học luật TPHCM  Học bổng  Hỗ trợ sinh viên

Top