Tổng thuật Hội thảo Khởi nghiệp 4.0

Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, làn sóng khởi nghiệp đã và đang hình thành trong cộng đồng doanh nghiệp và thế hệ trẻ Việt Nam ngày càng trở nên mạnh mẽ. Tuy nhiên, các yếu tố môi trường khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp, việc phân bổ các nguồn lực hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Việc hoàn thiện cơ chế, kiến thiết và xây dựng cơ cấu môi trường khởi nghiệp hiệu quả, đặc biệt các chính sách có vai trò khuyến khích, động viên cũng như “thực tế hóa – thương mại hóa” cho các sáng tạo, đổi mới của giới trẻ, đặc biệt là học sinh, sinh viên là vấn đề trọng tâm và thiết yếu nhất, cần phải được Chính phủ, cộng đồng khởi nghiệp và xã hội quan tâm. Đồng thời, trong bối cảnh hiện nay, khi sinh viên mong muốn tham gia hoặc bắt đầu khởi nghiệp đều dễ dàng gặp phải những vấn đề như có năng lực sáng tạo nhưng chưa đáp ứng được năng lực về tài chính, có năng lực về tài chính nhưng chưa đáp ứng được về ý tưởng khởi nghiệp, thậm chí có đầy đủ nguồn lực nhưng không thể khởi nghiệp hiệu quả… Vì vậy, với mục đích tạo ra một diễn đàn khoa học để trao đổi học thuật, kinh nghiệm và phương pháp quản lý các doanh nghiệp khởi nghiệp cũng như bước đầu tạo dựng môi trường khởi nghiệp cho sinh viên Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh, Bộ môn Marketing, Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp Khoa với chủ đề “Khởi nghiệp 4.0” vào lúc 08h30 ngày 30/07/2020 tại Hội trường A905.

Về phía Khoa Quản trị, Đại học Luật Tp.HCM, tham dự Hội thảo có sự hiện diện của PGS.TS Nguyễn Thị Thủy - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Quản trị, trường Đại học Luật TP.HCM cùng nhiều giảng viên đến từ các bộ môn của Khoa. Hội thảo còn có sự hiện diện của các sinh viên thuộc khoa Quản trị của Trường Đại học Luật TP.HCM.

Bên cạnh đó, Hội thảo còn hân hạnh đón tiếp sự hiện diện của các giảng viên và nhà nghiên cứu là các chuyên gia trong lĩnh vực khởi nghiệp. Danh sách khách mời cụ thể như sau:

  • TS. Đỗ Văn Phú – Tổng Giám đốc Bác Sĩ Thương Hiệu
  • TS. Trần Quý – Phó Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý
  • TS. Nguyễn Giao Hòa – Viện phó Viện Khởi nghiệp Sáng tạo – Đại học Hoa Sen
  • ThS. Hoàng Thu Hằng – Trường Đại học Kinh tế TP. HCM
  • ThS. Lê Thị Bích Hòa – Người sáng lập Cty TNHH Tư vấn Đào tạo CNTT
  • ThS. Nguyễn ThanhKhương – Trung tâm CNTT – trường ĐH Luật TP. HCM
  • Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Nhà báo Tạp chí Thế giới khởi nghiệp
  • Ông Hàng Sấm Nang – Quản lý cao cấp dự án ERP Tập đoàn ILT Corporation

Hội thảo đã nhận được nhiều bài báo khoa học đến từ các chuyên gia là những người có uy tín trong nghiên cứu và thực tiễn, có kinh nghiệm trong hoạt động xây dựng, phát triển và quản lý các doanh nghiệp khởi nghiệp trong và ngoài nước. Trong số các bài viết được gửi đến Ban Tổ chức, Hội đồng chuyên môn đã thẩm định và lựa chọn 21 bài viết có chất lượng để in trong Kỷ yếu hội thảo. Kỷ yếu này đã được đăng ký chỉ số ISBN và cho phép lưu hành rộng rãi. Trong đó, có 5 bài viết được lựa chọn để trình bày tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy cho rằng khởi nghiệp là con đường tất yếu để các doanh nghiệp trẻ vươn lên hội nhập với kinh tế thế giới. Đây còn là yêu cầu cấp thiết đối với các nhà nghiên cứu, bất kể là ở lĩnh vực khoa học nào. Đối với lĩnh vực quản trị, khởi nghiệp là một hoạt động cần thiết để kiểm chứng lý thuyết khoa học quản trị, hệ thống lại các mô hình kinh doanh phù hợp để truyền đạt, giảng dạy cho sinh viên hiệu quả hơn, đồng thời mang lại cho các nhà nghiên cứu, giảng viên, sinh viên một cơ sở kinh tế bền vững. Tuy nhiên, hoạt động khởi nghiệp và quản trị doanh nghiệp khởi nghiệp luôn có những thách thức và rủi ro liên quan đến môi trường, thể chế, chế độ chính trị, tư duy chủ quan của người khởi nghiệp…. Với mong muốn tạo ra một diễn đàn khoa học để chia sẻ, phân tích và trao đổi kinh nghiệm về lĩnh vực khởi nghiệp, Khoa Quản trị, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Khởi nghiệp 4.0”.

Hội thảo được tổ chức thành 2 phiên. Phiên thứ nhất dưới sự dưới sự chủ trì của chủ tọa gồm: PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy, TS. Trần Quý và ThS. Hà Thị Thanh Mai.

Trình bày đầu tiên là bài tham luận của TS. Đỗ Văn Phú, Tổng Giám đốc Bác sĩ Thương Hiệu về vấn đề “Doanh nghiệp và các start up khởi nghiệp”. Bài viết trình bày về những khó khăn của doanh nghiệp để có thể tồn tại và phát triển trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay. Trong đó, quản lý dòng tiền là nhiệm vụ trọng tâm của doanh nghiệp, là bài toán sống còn, bắt buộc doanh nghiệp phải hoạch định và dự phòng cả trước và sau khủng hoảng. Đồng thời, doanh nghiệp phải nhận định các loại dòng tiền khác nhau, các nguồn vốn, danh mục tài sản liên quan để có cái nhìn rõ ràng về phân bổ ngân sách cũng như xác định mức sinh lời phù hợp. Yếu tố thứ hai là nhân sự, đặc biệt là tâm lý nhân sự và định hướng tầm nhìn chiến lược. Khi doanh nghiệp có thể định hướng rõ ràng, nhân sự vận hành sẽ có thể đảm bảo triển khai hiệu quả. Ngoài ra, dung lượng của thị trường, nhu cầu của từng phân khúc, thị phần so với đối thủ cạnh tranh và chiến lược được sử dụng cũng là những yếu tố tác động trực tiếp đến sự tồn tại và tăng trưởng của doanh nghiệp. Vì vậy, một doanh nghiệp cần thu hẹp quy mô và đơn giản quy trình, xây dựng tiêu chuẩn đánh giá cụ thể, phối hợp các bộ phận linh hoạt, đồng thời cần có một nhà cố vấn để có thể nhìn nhận được điểm mạnh/yếu của doanh nghiệp, đánh giá được môi trường bên trong và bên ngoài của doanh nghiệp một cách khách quan. Một vấn đề khác được TS. Đỗ Văn Phú đề cập đến là bài toán bán hàng và marketing cho doanh nghiệp, cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp phải chú trọng xây dựng chiến lược và đội ngũ nhân sự marketing với kỹ năng phù hợp, hiểu được tình hình doanh nghiệp và phân khúc khách hàng mục tiêu.

Bài tham luận thứ hai do TS. Nguyễn Giao Hòa, Viện phó Viện Sáng tạo Khởi nghiệp, Trường Đại học Hoa Sen trình bày về “Quản lý dự án khởi nghiệp”. TS. Nguyễn Giao Hòa chia sẻ kinh nghiệm về công tác quản lý các dự án sáng tạo tại trường Đại học Hoa Sen. Ví dụ như chương trình Change This được tiến hành lần đầu năm 2019 dành cho các trường Đại học phía Nam, do Viện Sáng tạo khởi nghiệp của trường Đại học Hoa Sen liên kết với các quỹ đầu tư tổ chức, với mô hình giống chương trình Shark Tank, đã lựa chọn và hỗ trợ cho một số nhóm sinh viên có ý tưởng khởi nghiệp tốt được đưa ý tưởng vào thực tiễn, triển khai thành các doanh nghiệp khởi nghiệp. Vấn đề thứ 2 được đề cập đến là cách thức đo lường hiệu quả khi triển khai dự án sáng tạo, trong đó quản lý dự án bằng KPI thông qua công cụ Business model canvas (BMC) là cách thức tương đối hiệu quả và đơn giản mà Viện Sáng tạo Khởi nghiệp Trường Đại học Hoa Sen khuyến khích sinh viên sử dụng.

Sau hai bài tham luận được trình bày, các đại biểu tham dự Hội thảo tiến hành thảo luận về các nội dung thuộc chủ đề các tham luận đề cập. TS. Trần Quý gợi mở về sự khác biệt trong quản lý dự án khởi nghiệp ở cấp độ thực thi và quản lý dự án khởi nghiệp ở cấp độ chiến lược. Theo đó, TS. Trần Quý đặt ra câu hỏi về sự khác biệt trong quá trình triển khai hoạt động quản lý dự án truyền thống và dự án sáng tạo. Để giải đáp cho vấn đề này, TS. Nguyễn Giao Hòa cho rằng các phương án kinh doanh truyền thống có mô hình và quy trình triển khai ổn định, chặt chẽ, có khung thời gian và ngân sách, trong khi các dự án sáng tạo có tính linh hoạt về mục tiêu, vì vậy cần có sự phân biệt rõ ràng để có những giải pháp thích hợp. TS. Trần Quý lại bày tỏ quan điểm hoạt động sáng nghiệp luôn cần có mục tiêu được xây dựng theo tiêu chí SMARTER, đặc biệt là giới hạn về thời gian. Ông Hàng Sấm Nang, Quản lý cao cấp dự án ERP Tập đoàn ILT Corporation cũng tán thành quan điểm trên khi chia sẻ về kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp số. Đó là chia dự án thành nhiều giai đoạn, mỗi giai đoạn sẽ có mục tiêu rõ ràng và quy mô tương ứng, đồng thời các dự án đều phải có mentor – cố vấn định hướng mới có thể triển khai dự án thành công. Khi đề cập đến mentor, TS. Trần Quý đưa ra 2 vấn đề thường xảy ra khi đầu tư, hỗ trợ cho các nhóm sinh viên khởi nghiệp, 1 là mâu thuẫn giữa nhóm và người cố vấn, 2 là cách thức nào để giải quyết được cái tôi của nhóm / người sáng lập. TS. Nguyễn Giao Hòa cho rằng hiện tại Viện Sáng tạo – khởi nghiệp của Trường Đại học Hoa Sen về hình thức vẫn là các giảng viên của Trường hỗ trợ cho sinh viên nên chưa thực sự thấy rõ mâu thuẫn này.

Sinh viên Nguyễn Ánh Linh xin đặt câu hỏi về việc nếu sinh viên kinh tế có mong muốn triển khai ý tưởng khởi nghiệp liên quan đến công nghệ thì có cần nền tảng về công nghệ hay không? TS. Nguyễn Giao Hòa chia sẻ kinh nghiệm của Trường Đại học Hoa Sen là tạo ra các câu lạc bộ, nhóm nghiên cứu liên kết trực tiếp với các khoa kỹ thuật, công nghệ trực thuộc của Trường để hỗ trợ cho sinh viên. Ông Hàng Sấm Nang bổ sung các Khoa, các trường nên có quan hệ đối ngoại tốt hơn để định hướng nền tảng và xây dựng cơ sở cho sự liên kết cả bên trong (thực tế hóa) và bên ngoài (thương mại hóa).

Kết thúc thảo luận phiên thứ nhất, các đại biểu tham dự Hội thảo giải lao trong 15 phút.

Sau khi giải lao, Hội thảo tiếp tục diễn ra phiên thứ hai dưới sự chủ trì của chủ tọa gồm: PGS.TS Nguyễn Thị Thủy, TS. Trần Quý và ThS. Hà Thị Thanh Mai.

Trình bày đầu tiên trong phiên 2 là bài tham luận “Phát triển khởi nghiệp sáng tạo ứng dụng công nghệ 4.0 ở Vĩnh Long: Thực trạng và giải pháp” do ThS.Hoàng Thu Hằng - Giám đốc chương trình đào tạo ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng - Khoa Kinh doanh quốc tế, Trường Đại học Kinh tế TP. HCM trình bày. Bài viết được trích từ đề tài nghiên cứu “Phát triển khởi nghiệp sáng tạo tại tỉnh Vĩnh Long đến năm 2020” do GS. TS. Võ Thanh Thu, Đại học Kinh tế Tp. Hồ Chí Minh chủ nhiệm. ThS. Hoàng Thu Hằng cho rằng khởi nghiệp phải được nghiên cứu ở cấp độ vĩ mô hơn, phải xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp của quốc gia, khu vực phù hợp. Vì vậy, bài tham luận tập trung trình bày về việc triển khai các phương án nghiên cứu hỗ trợ dự án sáng tạo. Từ kinh nghiệm của Trường Đại học Kinh tế Tp. HCM, một hệ sinh thái khởi nghiệp bước đầu có thể được xây dựng dựa trên sự liên kết giữa Trường Đại học trong nước với các trường Đại học nước ngoài và một số quỹ đầu tư. Khi đã hình thành nên được hệ sinh thái khởi nghiệp, trường Đại học như người xúc tác có thể hỗ trợ định hướng cho địa phương phát triển dự án sáng tạo. Điển hình như tỉnh Vĩnh Long, địa phương có nhiều hạn chế trong tăng trưởng và quản lý dự án, đã được nhóm đề án nghiên cứu của Trường Đại học Kinh tế hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý dự án sáng tạo. Theo đó, tỉnh Vĩnh Long cần thu hút nhân tài địa phương quay trở lại quê hương làm việc hoặc tự đào tạo cho người dân bản địa về dự án sáng tạo, đồng thời phát triển dự án sáng tạo liên quan đến nông nghiệp, du lịch.

ThS. Hà Thị Thanh Mai chia sẻ các dự án địa phương thường được triển khai thời vụ, thiếu nhất quán, không đồng bộ, trong khi các doanh nghiệp địa phương mặc dù nhận thức được yêu cầu về việc nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng lại không đủ nguồn lực để triển khai, đặc biệt là nguồn lực về nhân sự.

Bài tham luận thứ 2 của phiên thứ 2 được ông Hàng Sấm Nang, Quản lý cao cấp dự án ERP Tập đoàn ILT Corporation chia sẻ về “Chiến lược xây dựng doanh nghiệp số”, trong đó doanh nghiệp số được xây dựng xoay quanh công nghệ thông tin, quản trị quy trình và con người, đặc biệt công nghệ sáng tạo phải phục vụ cho quản trị. Việc xây dựng doanh nghiệp số phải được xem xét trên nhiều khía cạnh, được triển khai theo từng tầng, từng mức độ và muốn số hóa doanh nghiệp thành công phải xác định được mục tiêu cuối cùng và sáu nhân tố liên quan

Kế đến là phần trình bày của ThS. Nguyễn Thị Ngọc Duyên, Giảng viên bộ môn Marketing, khoa Quản trị, Trường ĐH Luật TP. HCM với tham luận “Đề xuất đưa môn “khởi sự kinh doanh” vào trong chương trình đào tạo quản trị kinh doanh và quản trị luật tại trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh”. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Duyên cho rằng môn học khởi sự kinh doanh rất cần thiết và đã được một số trường Đại học triển khai. Bài tham luận tập trung trình bày về nội dung chương trình học cơ bản cũng như các vấn đề liên quan đến phương pháp giảng dạy, tài liệu tham khảo…

Sau khi các diễn giả trình bày các tham luận trong phiên thứ 2, các đại biểu tham dự Hội thảo tiếp tục phát biểu ý kiến thảo luận về các vấn đề được nêu ra trong Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy cho rằng việc giảng dạy về khởi sự kinh doanh rất cần thiết cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên thuộc khối ngành Quản trị. Ý kiến này được tất cả các đại biểu tham dự hội thảo tán thành. TS.Trần Quý yêu cầu cần làm rõ tên môn học là khởi nghiệp – start up hay khởi sự kinh doanh, và bày tỏ khoa nên sử dụng tên khởi sự kinh doanh cho phù hợp. ThS Nguyễn Quốc Ninh cũng bày tỏ quan điểm đồng tình với tên gọi khởi sự kinh doanh vì nó phục vụ cho đa số người học. Ông Hàng Sấm Nang bổ sung chương trình học nên được triển khai dưới hình thức mô hình kinh doanh (business model) để bám sát thực tiễn.

Sau phần thảo luận sôi nổi của các đại biểu tại Phiên thứ 2, PGS.TS. Nguyễn Thị Thủy phát biểu tổng kết lại Hội thảo.

Hội thảo kết thúc vào lúc 12:00 cùng ngày.

                                                                         Ban Thư ký Hội thảo

 

 

--%>
Top