Tổng thuật Hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật cạnh tranh (sửa đổi)"

Ngày 30 tháng 03 năm 2018, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Góp ý Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Hội thảo có sự tham dự của ông Nguyễn Minh Hồng – Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Công Phú – Phó Chánh Tòa Kinh tế Tòa án nhân dân TP.HCM, bà Nguyễn Thúy Hà - Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Khoa học - Viện Nghiên cứu Lập pháp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, ông Phạm Văn Khá - Vụ Kinh tế, Văn phòng Quốc hội, ông Đỗ Hữu Tùng – Văn phòng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Văn Hải – Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam, bà Kim Thị Hạnh – Phó Ban Văn hóa – xã hội – HĐND tỉnh Tây Ninh, bà Huỳnh Thị Hồng Hà – Trung tâm trọng tài thương mại phía Nam, ông Nguyễn Hữu Hớn – Luật sư, thành viên tư vấn pháp lý Hiệp hội doanh nghiệp TP.HCM, ông Ngô Xuân Tỵ - Cục công tác phía Nam Bộ Công Thương, đại diện các công ty Luật, các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và đại diện các cơ quan báo đài.

Về phía Trường ĐH Luật TP.HCM, có sự tham dự của PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó hiệu trưởng, TS. Hà Thị Thanh Bình – Phó trưởng Khoa Luật Thương Mại, PGS.TS. Phan Huy Hồng – Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, cùng các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên các hệ đào tạo của nhà trường.

Hội thảo đã tập trung đánh giá và thảo luận các quy định của Dự thảo luật cạnh tranh (sửa đổi) ngày 21 tháng 3 năm 2018 (“Dự thảo”), vai trò và hiệu quả điều chỉnh của các qui định và/hoặc chế định pháp luật cạnh tranh ở một số quốc gia chọn lọc và rút ra kinh nghiệm cho việc hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan của Việt Nam. Trên cơ sở kết quả của Hội thảo, Trường Đại học Luật TP.HCM đề xuất những kiến nghị cụ thể với mong muốn góp phần hoàn thiện Dự thảo để trình Quốc hội thông qua.

1. Về các qui định chung của Dự thảo

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh. Theo cách tiếp cận hiện nay, Dự thảo đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đến cả những hoạt động bên ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có tác động hạn chế cạnh tranh (HCCT) đến thị trường Việt Nam. Mặc dù vậy, nhiều đại biểu tham gia hội thảo băn khoăn về tính khả thi của quy định này. Xuất phát từ thực tiễn hành nghề, luật sư Trần Xuân Chi Anh (Công ty Luật Rajah & Tann LCT Lawyers) đề xuất xác định phạm vi điều chỉnh hành vi tập trung kinh tế được thực hiện ngoài lãnh thổ Việt Nam căn cứ vào việc các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có phát sinh doanh thu (gián tiếp hoặc trực tiếp) tại thị trường Việt Nam.

Liên quan đến đối tượng áp dụng của Luật cạnh tranh (sửa đổi) tại khoản 3 Điều 2 Dự thảo, các đại biểu tham dự hội thảo đều băn khoăn về kỹ thuật lập pháp vì nhiều thuật ngữ, cụm từ được sử dụng trong điều này có nghĩa rất rộng, có thể hiểu khác nhau, tuy nhiên lại không được định nghĩa, giải thích trong Điều 3 (Giải thích từ ngữ).Ví dụ các cụm từ như “Cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có liên quan” hoặc cụm từ “cá nhân kinh doanh”. Ngoài ra, việc quy định bằng cách liệt kê cụ thể các doanh nghiệp theo ngành, lĩnh vực, hoặc gọi tên cụ thể của các chủ thể chịu sự điều chỉnh của Luật Cạnh tranh không thực sự thích hợp, vừa thừa (các đơn vị sự nghiệp công lập) lại vừa thiếu (các chủ thể như Tòa án, trọng tài, văn phòng thừa phát lại…) làm cho quy định về đối tượng điều chỉnh của Luật Cạnh tranh bị thu hẹp và mâu thuẫn với quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật quy định tại Điều 1.

NCS. Từ Thanh Thảo (Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng quy định của Điều 4 trùng lắp với Điều 1 về phạm vi áp dụng của Luật Cạnh tranh. Ngoài ra, quy định “Trường hợp các hành vi cạnh tranh không lành mạnh đã được quy định tại các luật chuyên ngành thì áp dụng theo quy định của luật đó” là không ổn về kỹ thuật lập pháp và đặt ra câu hỏi nếu các luật khác điều chỉnh hoạt động cạnh tranh mà trái với Luật Cạnh tranh thì áp dụng luật nào? Ý kiến này nhận được sự đồng tình của nhiều đại biểu tham dự hội thảo.

Từ các trao đổi trên, các đại biểu đề xuất như sau:

Điều 4 nên nhập vào khoản Điều 1 Dự thảo, cụ thể Điều 1 nên sửa như sau:

  • Luật này quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; biện pháp xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; và quản lý nhà nước về cạnh tranh.
  • Các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác được quy định tại các luật chuyên ngành thì áp dụng theo quy định của các luật đó.

Quy định tại điều 4 của Dự thảo hiện nay: “Luật này điều chỉnh chung về các quan hệ cạnh tranh. Luật khác có liên quan điều chỉnh quan hệ cạnh tranh trong các lĩnh vực cụ thể không được trái với các quy định của Luật này” tại nên được loại bỏ vì không cần thiết và dễ gây hiểu nhầm.

Điều 2 về đối tượng điều chỉnh của Luật cũng nên được loại bỏ hoàn toàn. Việc quy định về đối tượng điều chỉnh theo Dự thảo vừa thừa vừa thiếu, lại mâu thuẫn và có phần hạn chế phạm vi điều chỉnh của Luật. Hiện nay, có nhiều luật như Luật Quảng cáo, Luật Kinh điều chỉnh. Việc không quy định về đối tượng điều chỉnh không làm thay đổi phạm vi áp dụng của dự Luật.

Các đại biểu cũng tranh luận về một số vấn đề mang tính kỹ thuật và đề xuất bổ sung, sửa đổi Điều 3 Dự thảo (Giải thích từ ngữ) như sau:

(i) Bỏ việc giải thích cụm từ “Thị trường liên quan” trong điều này vì có sự trùng lắp không cần thiết. Cụm từ này được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 9 Dự thảo;

(ii) Sửa khoản 5 Điều 3 Dự Thảo như sau:Lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền là hành vi của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường, hoặc của doanh nghiệp có vị trí độc quyền gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”.

(iii) Bổ sung định nghĩa cho cụm từ “Lợi ích công cộng” được sử dụng tại Điều 5 Dự thảo.

Hội thảo cũng đã dành sự quan tâm để trao đổi về các quy định liên quan đến việc điều chỉnh các hành vi cản trở cạnh tranh của cơ quan nhà nước. Điều 8 của Dự thảo quy định rằng “Trường hợp cơ quan nhà nước thực hiện hành vi bị cấm quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban cạnh tranh Quốc gia trách nhiệm yêu cầu cơ quan nhà nước chấm dứt hành vi vi phạm và khắc phục hậu quả”. Tuy nhiên, Dự thảo hiện nay lại không quy định về chế tài khi các cơ quan này không chấm dứt và không khắc phục hậu quả. Hệ quả sẽ làm cho qui định tại điều 8 trở nên kém hiệu quả thực thi. Vì vậy, cần quy định thêm chế tài đối với cơ quan nhà nước không chấm dứt hành vi vi phạm.

2. Liên quan đến các qui định về thị trường liên quan và thị phần

Các đại biểu đã dành nhiều thời gian để tranh luận về các quy định trong Dự thảo liên quan đến vai trò và các tiêu chí xác định thị trường liên quan và thị phần trong việc kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh. TS. Hà Thị Thanh Bình (Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng mặc dù không thể phủ nhận vai trò của việc xác định thị trường liên quan trong việc xác định tác động hạn chế cạnh tranh của các hành vi phản cạnh tranh trên thị trường, việc đề cao qua mức yêu cầu xác định thị trường liên quan khi xác định vi phạm hoặc quy định quá cứng nhắc về các tiêu chí xác định thị trường liên quan sẽ làm hạn chế khả năng xử lý các hành vi vi phạm cho dù các quy định kiểm soát có độ bao phủ rộng. Trong thực tế, khó khăn lớn nhất trong việc xác định thị trường sản phẩm liên quan là xác định tính có thể thay thế về giá của các sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, quy định về các tiêu chí xác định tính có thể thay thế về giá của hàng hóa dịch vụ nên được điều chỉnh lại để tạo thuận lợi hơn cho việc xác định thị trường liên quan trong thực tế. Theo TS. Bình quy định về tiêu chí xác định tính có thể thay thế của hàng hóa, dịch vụ tạo khoản 1 Điều 9 Dự thảo nên được sửa đổi như sau Tính có thể thay thế của hàng hóa, dịch vụ có thể được xác định dựa trên một hoặc một số yếu tố sau: đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả. Các yếu tố khác cũng có thể được xem xét khi xác định tính có thể thay thế của hàng hóa, dịch vụ nếu việc xem xét các yếu tố nêu trên chưa đủ căn cứ để xác định”,

Nhiều đại biểu tham dự hội thảo cho rằng thị trường liên quan là một thuật ngữ kinh tế, có sự biến động và phụ thuộc rất lớn vào diễn biến thị trường nên cần trao thêm quyền chủ động cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong việc đưa ra những hướng dẫn cụ thể trong việc xác định thị trường liên quan. Vì thế, các đại biểu cho rằng nên bổ sung khoản 3 vào Điều 9 nội dung sau: Ủy ban cạnh tranh Quốc gia ban hành hướng dẫn xác định thị trường liên quan trên cơ sở quy định do Chính phủ ban hành theo khoản 2 Điều này.

ThS. Lê Hoàng Phong (Khoa Quản trị - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng một số thuật ngữ kinh tế đang được sử dụng trong Dự thảo chưa tương thích với các quy định trong chuẩn mực kế toán hiện hành, ví dụ như cụm từ “doanh số mua vào” qui định tại điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 10 Dự thảo. Do vậy, để bảo đảm tính chính xác và phù hợp với qui định về kế toán, nên thay đổi thuật ngữ “doanh số mua vào” thànhtổng giá trị hàng hóa mua vào”.

3. Liên quan đến các qui định về hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh

Các đại biểu tranh luận về những khó khăn trong thực tiễn khi áp dụng tiêu chí “gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh” để xác định hành vi thoả thuận hạn chế cạnh tranh (HCCT) bị cấm. Ngoài ra, quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 Dự thảo về tiêu chí xác định hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh của các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan không thể kiểm soát được tất cả các hành vi có tác động bóp méo cạnh tranh và đôi khi không xử lý được các hành vi rõ ràng là có tác động phản cạnh tranh vì rất khó để có được một khái niệm thị trường liên quan mang tính tuyệt đối. Về bản chất, các hành vi quy định tại điều 11 Dự thảo đã mang tính hạn chế cạnh tranh. Vì thế, Dự thảo nên phân nhóm các hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh thành hai nhóm (i) nhóm các thỏa thuận bị cấm tuyệt đối (không được miễn trừ và không cần phải xem xét tiêu chí “gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh”) nếu là thỏa thuận giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan), và (ii) nhóm các thỏa thuận bị cấm có điều kiện áp dụng với thỏa thuận giữa các doanh nghiệp (không nhất thiết phải cùng một thị trường liên quan) dựa vào việc đánh giá liệu thỏa thuận đó có “gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh” hay không. Cụ thể như sau:

Điều 12 Dự thảo (Các thoả thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm) nên được điều chỉnh lại như sau:

1. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5 và 6 Điều 11 của Luật này.

2. Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Điều 11 của Luật này khi thỏa thuận đó gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường.”

NCS Phạm Hoài Huấn (Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Khoản 1 Điều 12 là các thỏa thuận về bản chất có tác động hạn chế cạnh tranh một cách nghiêm trọng cần phải cấm tuyệt đối, không xem xét miễn trừ.  Vì thế, khoản 1 Điều 14 Dự thảo nên được sửa đổi như sau:

“Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh quy định tại Khoản 2 Điều 12 của Luật này có thể được miễn trừ có thời hạn nếu đáp ứng một trong các điều kiện sau đây và có lợi cho người tiêu dùng:..”

4. Liên quan đến các qui định về hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường

Phần lớn các đại biểu đều đồng quan điểm khi cho rằng cách xác định vị trí thống lĩnh như qui định của Dự thảo hiện nay là “quá khắt khe”.  Nhiều nước trên thế giới quy định con số này từ 70% trở lên, hoặc trên 50% nhưng kèm theo một số yếu tố khác; dưới 50% thì khó có thể xác định là có vị trí thống lĩnh. Ngoài ra, theo qui định tại điều 25 Dự thảo về “xác định doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh”, việc xác định thị phần 30% được xác định tại thời điểm thực hiện hành vi mà không đề cập đến khoảng thời gian nắm giữ thị phần này là bao lâu. TS. Trần Hoàng Nga (Khoa Luật Thương Mại – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng Pháp luật Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) đều quy định việc xác định vị trí thống lĩnh của doanh nghiệp căn cứ vào thị phần luôn gắn liền với tiêu chí định lượng là “khoảng thời gian nắm giữ thị phần ổn định 2 năm trở lên”.thế, cần bổ sung thêm tiêu chí về mặt thời gian nắm giữ thị phần khi xác định liệu một doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh hay không. Đồng thời, việc xác định lạm dụng vị trí thống lĩnh, theo kinh nghiệm của các nước mà TS Nga nghiên cứu, đều cho phép các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh có cơ hội giải thích cho hành vi của họ mà không phải chịu trách nhiệm tuyệt đối như pháp luật nước ta hiện nay (illegal perse). Tuy nhiên, PGS.TS Bùi Xuân Hải (Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ quan ngại rằng, nếu quy định thời gian nắm giữ thị phần là 2 năm mới bị coi là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thì sẽ “để lọt” rất nhiều hành vi lạm dụng quyền lực thị trường, thậm chí là không xử lý được các hành vi lạm dụng rất rõ ràng. Nếu phải chờ đến 2 năm để xử lý 1 hành vi lạm dụng quyền lực thị trường của 1 doanh nghiệp có thị phần lớn đến 70-80% trên thị trường thì cạnh tranh đã bị bóp méo hoàn toàn.

Các đại biểu cũng tranh luận sôi nổi về các tiêu chí xác định nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh. Mặc dù còn chưa hoàn toàn thống nhất với nhau về các tiêu chí xác định nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, các đại biểu tham dự hội thảo đều cho rằng các quy định của Dự thảo về nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh còn nặng về lý thuyết và chưa thực sự khả thi, đặc biệt là trong điều kiện thị trường Việt Nam.  Tiêu chí “cùng hành động” để xác định nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh quy định tại khoản 2 Điều 25 Dự thảo có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Mặc dù hành vi lạm dụng quyền lực nhóm (collective dominance) cần phải được điều chỉnh bởi Luật Cạnh tranh, việc xác định liên kết nhóm không phải là vấn đề đơn giản. Nếu “cùng hành động” bao hàm cả hành vi ngẫu nhiên của các doanh nghiệp sẽ tạo ra sự điều chỉnh bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp bị xác định là “nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh” khi thị phần của hai doanh nghiệp trong cùng một nhóm quá chênh lệch (ví dụ một doanh nghiệp chiếm thị phần là 39% và doanh nghiệp còn lại chiếm thị phần 11%). TS. Hà Thị Thanh Bình cũng cho rằng chỉ nên quy định nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh đối với nhóm các công ty mẹ - công ty con có sức mạnh thị trường đáng kể vì về mặt kinh tế, công ty mẹ - công ty con được coi là một chủ thể kinh tế duy nhất. Do đó, nên sửa khoản 2 Điều 25 Dự thảo thành: “Nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường là nhóm công ty mẹ - công ty con có sức mạnh thị trường đáng kể”.

Ngoài ra, đối với nhóm các doanh nghiệp hiện đang được quy định tại khoản 2 Điều 25 Dự thảo là nhóm các doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh, bao gồm: (i) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan; (ii) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan; và (iii) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan, thì chỉ cấm nếu những doanh nghiệp này hành động mà có sự thống nhất ý chí (có thể là thỏa thuận ngầm hoặc bất kỳ một sự liên kết kinh tế có thể chứng minh được). Cụ thể, bổ sung khoản 2 vào Điều 28 Dự Thảo như sau (khoản 2 Điều 28 trong Dự Thảo hiện nay sẽ chuyển thành khoản 3):

“Cấm các nhóm doanh nghiệp có tổng thị phần thuộc một trong các trường hợp sau đây thoả thuận thực hiện các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này:

a) Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên trên thị trường liên quan;

b) Ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên trên thị trường liên quan;

c) Bốn doanh nghiệp có tổng thị phần từ 75% trở lên trên thị trường liên quan.”

Việc quy định như trên sẽ làm cho điều luật cụ thể và khả thi hơn sử dụng cụm từ “cùng hành động” như quy định tại khoản 2 Điều 25 Dự thảo hiện hành.

4. Liên quan đến các qui định về tập trung kinh tế

Các đại biểu tập trung thảo luận về các hình thức tập trung kinh tế cần phải được kiểm soát bởi cơ quan quản lý cạnh tranh. Hầu hết các đại biểu tham gia thảo luận đều cho rằng việc quy định một danh mục đóng các hình thức tập trung kinh tế theo khoản 1 Điều 30 Dự thảo là rất hẹp, bỏ sót một số hoạt động có tính chất tập trung quyền lực thị trường mà không bị điều chỉnh. Ví dụ: hình thức hoán đổi cổ phần giữa các doanh nghiệp (chẳng hạn như trường hợp của Grab và Uber) hoặc việc ký kết các hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện một dự án đầu tư...đều có khả năng tập trung quyền lực thị trường. Các đại biểu thống nhất rằng nên bổ sung điểm đ) vào Khoản 1 Điều 30 về các hình thức tập trung kinh tế để bao gồm “Các hình thức khác có dấu hiệu tập trung sức mạnh thị trường do Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia xác định”.

TS. Phạm Trí Hùng (Khoa Luật Thương mại – Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) cho rằng thuật ngữ “tập trung kinh tế” chưa thế hiện đầy đủ bản chất của các hành vi mang tính chất tập trung quyền lực thị trường nên tên Chương 5 “Tập trung kinh tế” và các dẫn chiếu đến cụm từ “Tập trung kinh tế” trong Dự thảo nên đổi thành “tập trung sức mạnh thị trường”.

Các đại biểu tham dự hội thảo cũng cho rằng khái niệm “mua lại doanh nghiệp” chưa được quy định rõ ràng trong Dự thảo. Thế nào là “kiểm soát hoặc chi phối một ngành nghề” còn đang có các cách hiểu khác nhau. Dự thảo cũng không giao cho Chính phủ quy định cụ thể vấn đề này. Do đó, nên khắc phục bằng cách sửa khoản 4 Điều 30 như sau: “Mua lại doanh nghiệp là việc một doanh nghiệp trực tiếp hoặc gián tiếp mua toàn bộ hoặc một phần vốn góp, tài sản của doanh nghiệp khác đủ để nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp bị mua lại”.

Các đại biểu cũng cho rằng Điều 31 Dự thảo với quy định “Cấm tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể trên thị trường Việt Nam” đã bao quát được tất cả các trường hợp cần kiểm soát, không chỉ còn là các hành vi tập trung kinh tế theo chiều ngang như quy định của Luật Cạnh tranh hiện hành. Tuy nhiên, quy định này phụ thuộc rất nhiều vào các tiêu chí đánh giá “tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể”. Vì thế, các tiêu chí này phải được xây dựng một cách cẩn trọng để phát huy hiệu quả của việc kiểm soát.

5. Liên quan đến các qui định về cơ quan quản lý cạnh tranh và chính sách khoan hồng

Các đại biểu cũng tranh luận sôi nổi về việc liệu quy định tại Khoản 3 Điều 7 Dự thảo rằng Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trực thuộc Bộ Công thương có tạo ra sự độc lập tương đối trong hoạt động của cơ quan này hay không. TS. Nguyễn Anh Tuấn (Công ty Luật LNT & Partners) đề xuất sửa đổi khoản 2 và khoản 3 Điều 7 Dự thảo để Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trở thành cơ quan ngang bộ hoặc cơ quan thuộc Chính phủ vì nếu Ủy ban cạnh tranh quốc gia vẫn nằm trong Bộ Công thương thì không khách quan. Trong trường hợp không thực hiện được phương án nâng Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia thành cơ quan ngang bộ thì cơ quan này nên trực thuộc một Bộ độc lập hơn, chẳng hạn như Bộ Tư pháp và/hoặc cơ quan khác không liên quan đến các chức năng quản lý ngành. NCS Kim Thị Hạnh (Phó Ban Văn hóa – xã hội – HĐND tỉnh Tây Ninh) cũng cho rằng khoản 4 Điều 7 Dự thảo cần quy định chi tiết hơn chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan ở địa phương như Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh, Sở Công thương trong việc thực thi chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh vì trong thực tế các cơ quan ở địa phương gần như không biết mình có nhiệm vụ cụ thể gì trong hoạt động quản lý cạnh tranh trên thị trường.

Các đại biểu cũng tranh luận về các quy định liên quan đến chính sách khoan hồng trong Dự thảo. Các đại biểu đều thống nhất rằng việc quy định về khoan hồng trong kiểm soát các hành vi phản cạnh tranh là rất cần thiết. Tuy nhiên, làm thế nào để các quy định về chính sách khoan hồng thực sự phát huy hiệu quả là việc làm không đơn giản. Theo ThS. Nguyễn Văn Hùng (Khoa Luật Thương mại - Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh) thì các quy định để thực hiện chính sách quan hồng cần cụ thể hơn. Ví dụ, cần quy định cụ thể về thời điểm nộp đơn để được khoan hồng, tránh tình trạng doanh nghiệp chờ đợi cho đến khi có dấu hiệu phát hiện vi phạm mới nộp đơn và như thế đã vô hiệu hóa chế định khoan hồng. Ngoài ra, theo Luật sư Trần Xuân Chi Anh, cũng cần tuyên bố một sự đảm bảo ngay từ đầu cho những doanh nghiệp tự “nộp” mình cho cơ quan cạnh tranh. Theo Dự thảo hiện nay, doanh nghiệp phải chờ cho đến cuối cuộc điều tra mới biết được mình có được miễn trừ hay không. Điều này không khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện khai báo với cơ quan quản lý cạnh tranh để được hưởng chính sách khoan hồng.

6. Liên quan đến các quy định về hành vi cạnh tranh không lành mạnh và thẩm quyền giải quyết khiếu nại/tranh chấp liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh

Các đại biểu đều thống nhất rằng quy định tại điều 46 và điều 47 Dự thảo hiện nay bị trùng lặp. Ông Nguyễn Công Phú (phó Chánh Tòa Kinh tế, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh) và NCS. Từ Thanh Thảo đều cho rằng cách diễn đạt tại khoản 6 Điều 46 là chưa kín kẽ vì nếu trường hợp luật chuyên ngành cũng có quy định điều chỉnh hành vi cạnh tranh không lành mạnh được liệt kê từ khoản 1 đến khoản 5 của Điều 46 thì sẽ áp dụng luật nào? Dự thảo đã liệt kê các hành vi cạnh tranh không lành mạnh từ khoản 1 đến khoản 5 Điều 46. Vì vậy để tránh chồng chéo, Luật Cạnh tranh nên quy định rằng các luật khác chỉ được quy định về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác (chưa được quy định trong Luật Cạnh tranh) và đáp ứng các tiêu chí được quy định tại khoản [6] Điều 3 Luật Cạnh tranh.

Hội thảo đề xuất  nhập hai điều 46 và 47 Dự thảo thành 1 điều luật (bỏ điều 46) vì hai điều khoản này trùng với nhau. Như vậy Điều 47 Dự thảo sẽ trở thành Điều 46. Bổ sung thêm khoản 6 vào Điều 46 này như sau:

Các luật khác có thể quy định thêm về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh khác theo các tiêu chí xác định tại khoản [6] Điều 3 của Luật này.

Liên quan đến thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với hành vi cạnh tranh không lành mạnh, ông Nguyễn Công Phú cho rằng hành vi cạnh tranh không lành mạnh là một tranh chấp phát sinh từ hoạt động thương mại giữa hai doanh nghiệp với nhau nên có thể vẫn được giải quyết bằng con đường Tòa án. Thực tế, Tòa án vẫn thụ lý một số vụ việc liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS Bùi Xuân Hải cho rằng nên bổ sung vào Điều 56 (Nguyên tắc tố tụng cạnh tranh) cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn giải quyết các tranh chấp liên quan đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh bằng con đường Tòa án hoặc khiếu nại đến Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia.

Hội thảo kết thúc sau gần 4 tiếng trao đổi và tranh luận sôi nổi. Các kiến nghị được nêu trong hội thảo sẽ được Nhà trường chọn lọc và gởi đến các cơ quan hữu quan, với mong muốn đóng góp tích cực vào việc hoàn thiện Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi) trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp sắp tới.

          TS. Hà Thị Thanh Bình và NCS Phạm Hoàn Huấn tổng hợp

--%>
Top