Hội thảo Quốc tế “Pháp luật thực tiễn về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo UNCITRAL và ICSID: Kinh nghiệm cho Việt Nam”

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, vấn đề đầu tư và tiếp nhận đầu tư quốc tế đang là một vấn đề được nhiều quốc gia quan tâm, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Thực tiễn cho thấy trong những năm gần đây, đối với các vụ tranh chấp đầu tư quốc tế, lợi thế đã không còn nghiêng hẳn về các nhà đầu tư và thay vào đó, các quốc gia đang phát triển đã ngày càng có sự chuẩn bị tốt hơn về các biện pháp pháp lý.

Trong khuôn khổ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ MOET về “Pháp luật và thực tiễn về cơ chế giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài với quốc gia tiếp nhận đầu tư theo ICSID và UNCITRAL: Kinh nghiệm đối với Việt Nam trong bối cảnh thực hiện hiệp định TPP do TS. Lê Thị Ánh Nguyệt, giảng viên Khoa Luật Quốc tế Trường Đại học Luật TP.HCM làm chủ nhiệm đề tài, sáng ngày 27/3/2018, tại phòng A.905 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP.HCM cùng Khoa Luật Kinh tế Trường Đại học Kinh tế Nagoya và Khoa Luật Trường Đại học Kobe tổ chức Hội thảo Quốc tế “Pháp luật thực tiễn về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo UNCITRAL và ICSID: Kinh nghiệm cho Việt Nam”.



 Toàn cảnh Hội thảo

Trung tâm Quốc tế giải quyết tranh chấp Đầu tư Quốc tế (ICSID) được thành lập vào năm 1966 trên cơ sở Công ước về giải quyết tranh chấp đầu tư giữa quốc gia và công dân của quốc gia khác (Công ước ICSID) nhằm hỗ trợ giải quyết các tranh chấp giữa các nhà đầu tư quốc tế và quốc gia tiếp nhận bằng con đường trọng tài và hòa giải. Tính đến giữa năm 2017, ICSID đã tiếp nhận 619 vụ kiện theo Công ước ICSID và các quy tắc tạo thuận lợi bổ sung. Hiện nay Việt Nam tuy chưa là thành viên của ICSID nhưng trong bối cảnh tiếp nhận đầu tư quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay đòi hỏi Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia để có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý.

Hội thảo được tiến hành theo các phiên tham luận từ các vị học giả là Giáo sư, Phó Giáo sư và các bình luận từ chuyên gia mang đến cái nhìn đa chiều về pháp luật và thực tiễn về cơ chế giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế theo UNCITRAL và ICSID ở những khía cạnh sau:

  • Bài tham luận Tổng quan về ICSID.
  • Vai trò của Chính quyền địa phương trong các Hợp đồng hợp tác công tư PPP.
  • Bảo vệ quyền hoạch định chính sách tài chính trong trọng tài đầu tư.
  • Doanh nghiệp Nhà nước trong tranh chấp đầu tư quốc tế: Liên hệ với Recofiv.Vietnam.
  • Trọng tài Nhà đầu  tư – Quốc gia theo CPTPP (TPP11): Tác động của việc hoãn thi hành một số điều khoản.
  • Thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư tại VIAC và Tòa án Việt Nam.

Buổi hội thảo đã mang lại nhiều bài học kinh nghiệm cho Việt Nam trong việc giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế từ pháp luật và thực tiễn các vụ tranh chấp đã xảy ra. Việt Nam, trong tư thế của một quốc gia tiếp nhận nhiều đầu tư nước ngoài và cũng từng là bị đơn trong một số vụ kiện theo ICSID sẽ có thêm những chuẩn bị về mặt pháp lý để thu hút đầu tư quốc tế, tránh các xung đột, tranh chấp.

Bài: Hoa Phan

Ảnh: Thùy Liên

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top