Hội thảo Khoa Luật Hành chính – Nhà nước “Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các đơn vị sự nghiệp công lập”

Nhằm đưa ra cái nhìn đa chiều về những bất cập trong việc một số quyết định hành chính, hành vi hành chính của các đơn vị sự nghiệp công lập đã xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan, chiều ngày 08/01/2020 Khoa Luật Hành chính – Nhà nước Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức Hội thảo “Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong các đơn vị sự nghiệp công lập”.

Hội thảo được chủ trì bởi PGS. TS Vũ Văn Nhiêm, ThS. Nguyễn Văn Trí cùng sự tham gia của tập thể giảng viên khoa Luật Hành chính – Nhà nước, cán bộ, giảng viên và đông đảo học viên, sinh viên có quan tâm cùng các khách mời.

 

Buổi hội thảo thu hút được sự quan tâm của nhiều sinh viên

Mở đầu Hội thảo, PGS. TS Vũ Văn Nhiêm chia sẻ: “Quyền khiếu nại, tố cáo trong Hiến pháp 1992 là quyền của công dân, ở Hiến pháp 2013 thì chúng ta mở rộng hơn chủ thể là quyền con người […] Đó là những quyền hết sức cơ bản của con người, được quy định ở tầm Hiến định, được rất nhiều văn bản pháp luật quy định cụ thể hóa. Quyền khiếu nại, tố cáo rất cần thiết trong xã hội và xu thế dân chủ hiện nay và điều đó càng nóng hổi hơn khi ở trong các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường đại học trong đó có Trường Đại học Luật TP.HCM. Tôi nghĩ vấn đề này chúng ta cần phân tích thấu đáo để xem những vấn đề khiếu nại đó bắt nguồn từ đâu để chúng ta hoạt động đúng đắn hơn.”

 

PGS. TS Vũ Văn Nhiệm chia sẻ về ý nghĩa của khiếu nại và tố cáo trong các đơn vị sự nghiệp công lập

 Với chủ đề giải quyết các vấn đề về khiếu nại, phiên thứ nhất của Hội thảo gồm có 03 bài tham luận:

- Tham luận: “Một số bất cập trong quy định về quyết định hành chính, hành vi hành chính – Đối tượng khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập” được trình bày bởi ThS. Nguyễn Hoàng Yến. Theo đó, các quy định về quyết định hành chính, hành vi hành chính vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền khiếu nại của cá nhân, cơ quan, tổ chức như sau:

  • Về chủ thể có thẩm quyền ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính. Mặc dù thẩm quyền ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính đã được quy định gián tiếp tại khoản 1 Điều 3 của Nghị định 75/2012/NĐ-CP nhưng việc dẫn chiếu sang khoản 8 và khoản 9 Điều 2 của Luật Khiếu nại dẫn đến sự không thống nhất và thiếu chính xác.
  • Về phạm vi của quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc đối tượng khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đơn vị sự nghiệp công lập không thể thực hiện nhiệm vụ công vụ nhưng quyền khiếu nại, tố cáo lại là hành vi thực hiện nhiệm vụ công vụ theo quy định của pháp luật.
  • Các quyết định hành chính, hành vi hành chính thuộc trường hợp không được thụ lý giải quyết như trong trường hợp thuộc phạm vi nội bộ hoặc bí mật nhà nước.
  •  Thuật ngữ "quyết định hành chính, hành vi hành chính” không nên sử dụng là đối tượng của các đơn vị sự nghiệp công lập.

     

    ThS. Nguyễn Hoàng Yến chia sẻ những ý kiến của mình với tham luận “Một số bất cập trong quy định về quyết định hành chính, hành vi hành chính – Đối tượng khiếu nại trong đơn vị sự nghiệp công lập”

    Tiếp tục buổi Hội thảo là tham luận “Bảo đảm pháp lý quyền khiếu nại của viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập dưới góc độ Luật Khiếu nại năm 2011” được trình bày bởi ThS. Võ Tấn Đào. Tham luận đề cập tới những bất cập:

  • Đối tượng để viên chức khiếu nại chỉ bao gồm quyết định kỷ luật.
  • Thời gian để viên chức thực hiện khiếu nại quá ngắn.
  • Hình thức khiếu nại là viết đơn đệ trình thì rất khó khăn cho viên chức khi thời hạn cho phép khiếu nại rất ngắn. Vì vậy nên bổ sung thêm hình thức khiếu nại trực tiếp.

ThS. Võ Tấn Đào đưa ra những cách giải quyết cho những bất cập nêu trên

Kết húc phiên thứ nhất là phần trình bày của ThS. Nguyễn Nhật Khanh với tham luận: “Đảm bảo thực hiện quyền khiếu nại của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập”. ThS. Nguyễn Nhật Khanh đưa ra kiến nghị nên xây dựng một đạo luật riêng về giải quyết các quyết định về thực hiện quyền khiếu nại.Đồng thời đối với các quyết định không tác động trực tiếp đến viên chức đều được khiếu nại. Bên cạnh đó, ThS. Nguyễn Nhật Khanh cũng đề nghị nên thừa nhận khiếu nại bằng văn bản điện tử và đề cao quyền chủ động của người khiếu nại.

 

ThS. Nguyễn Nhật Khanh với những yêu cầu để đảm bảo quyền lợi của viên chức khi thực hiện quyền của mình.

Các bài tham luận được trình bày tại phiên thứ hai của Hội thảo tập trung vào vấn đề tố cáo. ThS. Hồ Quang Chánh – Thanh tra Quận 12 đã đề cập đến những bất cập về thẩm quyền giải quyết tố cáo của trưởng phòng đào tạo cấp huyện, một số chức, cá nhân mang tính đặc thù của ngành giáo dục thông qua bài tham luận “Thẩm quyền giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ trong một số đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập”.


ThS. Hồ Quang Chánh – Thanh tra Quận 12 trình bày tham luận tại Hội thảo

Bài tham luận tiếp theo của nhóm tác giả ThS. Nguyễn Văn Trí, ThS. Phạm Thị Phương Thảo trình bày về vấn đề “Bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo trong giải quyết tố cáo”. Tham luận phân tích vai trò của việc bảo vệ thông tin người tố cáo, phân tích thực trạng và gợi mở một số vấn đề cần hoàn thiện.


ThS. Phạm Thị Phương Thảo với phần tham luận “Bảo vệ bí mật thông tin người tố cáo trong giải quyết tố cáo”

Buổi Hội thảo kết thúc với tham luận “Hoàn thiện các quy định của Luật Tố cáo về việc bảo vệ người tố cáo” do ThS. Trần Thị Thu Hà trình bày đã đưa ra các giải pháp về việc điều chỉnh các quyền được bảo vệ của người tố cáo hiện nay.

Buổi Hội thảo đã kết thúc thành công tốt đẹp với rất nhiều ý kiến, kiến nghị quan trọng được nêu ra, góp phần hoàn thiện hơn các quyền về khiếu nại, tố cáo của viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Đồng thời mang đến cho giảng viên, sinh viên những cái nhìn bao quát, rõ nét hơn về Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo.


Tập thể giảng viên khoa Hành chính – Nhà nước chụp ảnh lưu niệm kết thúc hội thảo

Nội dung: Quỳnh Chi, Phương Thảo

Hình ảnh: Thảo Nguyên

Ban Truyền thông Ulaw

 

 


--%>
Top