Hội thảo khoa học “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức – Những điểm mới và định hướng áp dụng” sẽ diễn ra vào ngày 30/6

Ngày 25/11/2019, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa  XIV đã thông qua Luật số 52/2019/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Theo đó, nhiều nội dung quan trọng của Luật Cán bộ, công chức năm 2008 và Luật Viên chức năm 2010 đã được sửa đổi, bổ sung nhằm kịp thời thể chế  hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong giai đoạn hiện nay.  

Để tìm hiểu sâu sắc và toàn diện về Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sau khi được sửa đổi, bổ sung năm 2019, nhất là dự báo những yêu cầu, cũng như những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Luật, góp phần đưa ra những kiến nghị khoa học để các cơ quan có thẩm quyền tham khảo trong quá trình hướng dẫn và cụ thể hóa Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi,  Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức – Những điểm mới và định hướng áp dụng”.

Hội thảo sẽ được tiến hành vào ngày 30 tháng 6 năm 2020, với sự tham gia của đông đảo khách mời là các nhà khoa học, đại biểu Quốc hội, các nhà quản lý, các chuyên gia hoạt động thực tiễn.    

Hội thảo sẽ không chỉ giới thiệu, làm rõ những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 mà quan trọng hơn là dành thời gian để các đại biểu trao đổi, cho ý kiến về những vấn đề cần được quy định chi tiết trong quá trình hướng dẫn thi hành Luật, đề xuất những kiến nghị hữu ích đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền, góp phần nâng cao hiệu quả thi hành Luật cán bộ, công chức và Luật viên chức trong thời gian tới.

 Ban Tổ chức Hội thảo đã nhận được 35 bài tham luận đề cập đến tất cả các nội dung được sửa đổi, bổ sung của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức với nhiều tâm huyết của các tác giả là các nhà nghiên cứu và cán bộ công tác thực tiễn. 

 Các tham luận không chỉ đã tập trung phân tích những điểm mới của hai đạo luật, mà quan trọng hơn là tập trung chỉ ra những điểm cần làm rõ hơn, những vướng mắc có thể sẽ bắt gặp trong quá trình hướng dẫn cũng như áp dụng Luật sau khi có hiệu lực từ 1/7/2020. Cụ thể, các tham luận đã tập trung vào những vấn đề như: tính hợp lý và sự cần thiết thu hẹp phạm vi công chức, vì sao không coi những người lãnh đạo, quản lý đơn vị sự nghiệp công lập là công chức; làm sao để việc tuyển dụng công chức công khai, minh bạch, công bằng hơn, hạn chế tiêu cực, thực sự thu hút được người tài, chính sách trọng dụng người tài năng cần được cụ thể hóa như thế nào, vấn đề làm sao để đánh giá công chức, viên chức một cách khách quan, công bằng, hạn chế cào bằng; những vấn đề đặt ra đối với việc bỏ hợp đồng làm việc không thời hạn của viên chức; các biện pháp bảo đảm việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thực sự nghiêm minh, đúng pháp luật; vì sao cần kéo dài thời hiệu xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức; cơ sở lý luận và pháp lý cũng như vướng mắc có thể phát sinh khi xử lý kỷ luật đối với người đã nghỉ việc, nghỉ hưu mới phát hiện có hành vi vi phạm trong thời gian công tác; vấn đề bảo đảm sự tương thích giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức theo pháp luật; vấn đề giải quyết tranh chấp về hợp đồng làm việc của viên chức; vấn đề áp dụng một số quy định của pháp luật lao động đối với cán bộ, công chức, viên chức… Nhìn chung các vấn đề đặt ra trong các báo cáo tham luận đều được các tác giả tiếp cận không chỉ từ cơ sở lý luận và pháp lý mà quan trọng hơn là từ cơ sở thực tiễn, với cái nhìn đa chiều, giàu tính phản biện, luận giải cụ thể.

 Với mục đích cũng như nội dung khoa học và thực tiễn thiết thực nói trên của Hội thảo, Ban tổ chức hy vọng rằng Hội thảo “Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức – Những điểm mới và định hướng áp dụng” sẽ nhận được sự quan tâm của các nhà khoa học, các nhà hoạt động thực tiễn, các chuyên gia hành chính công, các phóng viên báo chí, các giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học và sinh viên.   

Rất hân hạnh được chào đón các quý vị và các bạn!

Trân trọng cảm ơn.

--%>
Top