Hội thảo khoa học "Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư"

Dự thảo “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư” được kỳ vọng sẽ tạo bước đột phá trong lĩnh vực xây dựng các công trình hạ tầng và cung cấp các dịch vụ công trên cơ sở hợp tác công tư. Nhằm góp ý hoàn thiện các nội dung của dự thảo, sáng ngày 11/03/2020, tại hội trường A1002, Khoa Luật Thương mại, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức buổi Hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư”.

Toàn cảnh buổi Hội thảo

Hội thảo được chủ trì bởi PGS.TS Hà Thị Thanh Bình – Trưởng Khoa Luật Thương Mại, PGS.TS Nguyễn Văn Vân – Nguyên Trưởng Khoa Luật Thương Mại và PGS.TS Phan Huy Hồng – Trưởng Bộ môn Luật Thương mại, Khoa Luật Thương Mại.

Đến tham dự hội thảo có các khách mời: TS. Bùi Kim Hiếu - Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP. Hồ Chí Minh; Ông Nguyễn Quốc Trí - Phó Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bình Dương; LS. Trần Phương Bắc - Luật sư trưởng, Công ty cổ phần Tập đoàn Masan; LS. Kiều Anh Vũ - Giám đốc Công ty Luật KAV Lawyer.

Hội thảo còn có sự tham dự của các giảng viên Khoa Luật Thương mại, một số học viên cao học, các nghiên cứu sinh và sinh viên các hệ đào tạo của trường.

 

Ban chủ tọa gồm 03 thành viên

Phiên thứ nhất bàn về “Những vấn đề chung về Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư” gồm 03 tham luận:

-   - Tham luận “Các nguyên tắc xây dựng pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư” (PGS.TS Hà Thị Thanh Bình) trình bày và phân tích những nguyên tắc cơ bản cần được xem là kim chỉ nam cho việc xây dựng các quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (“PPP’) trên cơ sở nghiên cứu thông lệ quốc tế và thực tiễn thực hiện các quy định điều chỉnh phương thức đầu tư này ở Việt Nam. PGS.TS đưa ra một số kiến nghị cụ thể nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP theo hướng tuân thủ các nguyên tắc trên.

 

PGS.TS Hà Thị Thanh Bình trình bày phần tham luận thứ nhất

-   - Tham luận “Một số kiến nghị về dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư” (PGS.TS Nguyễn Văn Vân) chỉ ra những điểm còn chưa hợp lý, hạn chế của Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức PPP. Cụ thể là kỹ thuật lập pháp, phần giải thích từ ngữ, cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu/ bảo lãnh doanh thu và trách nhiệm của Nhà nước và Nhà đầu tư. PGS.TS. cho rằng Dự thảo Luật cần tuân thủ và cụ thể hóa nguyên tắc hợp đồng PPP, quy định bảo đảm đầu tư khi có sự thay đổi pháp luật và chọn luật áp dụng, quy trình chuẩn bị dự án và lựa chọn nhà đầu tư cho dự án PPP ứng dụng công nghệ cao, quy định về phạm vi, lĩnh vực áp dụng PPP, quy định về chi phí lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi và Báo cáo nghiên cứu khả thi trong trường hợp Nhà đầu tư tự đề xuất Dự án PPP và quy định về phương thức và hình thức chọn Nhà đầu tư.

PGS.TS Nguyễn Văn Vân trình bày phần tham luận của mình

-   - Tham luận “Đánh giá tổng quan về Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) và một số khuyến nghị” (ThS. Từ Thanh Thảo) cho rằng nên chuyển tên gọi của Dự thảo Luật về PPP từ “Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư” thành “Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư”, xem xét lại việc định vị Luật về PPP vừa là thủ tục, vừa là luật nội dung như xác định trong tờ trình; Dự thảo Luật về PPP có 03 chương thật sự không cần thiết vì các quy định trong 03 chương này mang tính chất “vay mượn” từ các quy định đã có sẵn trong luật khác và việc có đến 10 điều khoản trong Dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết là quá nhiều, dẫn đến luật ban hành khó thực thi.

ThS. Từ Thanh Thảo phát biểu tại hội thảo

Phiên thứ hai bàn về “Những vấn đề bất cập, hạn chế cụ thể trong Dự thảo Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư” gồm 02 tham luận:

-   - Tham luận “Nguyên tắc công khai, minh bạch trong Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư” của tác giả Nguyễn Xuân Tài đề cập đến ý nghĩa của nguyên tắc công khai minh bạch trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư; các nội dung cần công khai, minh bạch và trách nhiệm công khai, minh bạch; và cơ chế đảm bảo nguyên tắc công khai minh bạch trong đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

-   - Tham luận “Lựa chọn nhà đầu tư trong phương thức đối tác công tư tại Việt Nam” do ThS. Nguyễn Tuấn Vũ trình bày. Tác giả cho rằng, thực trạng Dự thảo Luật hiện tại vẫn chưa đủ “tầm” của một đạo luật về PPP. Thay vì cố gắng giải trình theo cách chuyển mọi thứ sang cho văn bản hướng dẫn Luật PPP thì ban soạn thảo phải khẩn trương hoàn thiện dự thảo Luật PPP, tập trung vào các tiêu chí quan trọng để đánh giá điều kiện lựa chọn Nhà đầu tư trong dự án PPP. Đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định về đấu thầu lựa chọn Nhà đầu tư.

ThS. Nguyễn Tấn Vũ với tham luận “Lựa chọn nhà đầu tư trong phương thức đối tác công tư tại Việt Nam”

Cả 02 phiên tham luận đều diễn ra rất sôi nổi với phần đóng góp ý kiến của các thầy cô cùng các học viên cao học quan tâm, trong đó có ý kiến của TS. Bùi Kim Hiếu – Trưởng Khoa Luật, Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, TS. Phạm Văn Võ – Phó trưởng Khoa Luật Thương mại, Đại học Luật TP.HCM

TS. Bùi Kim Hiếu – Trưởng Khoa Luật Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM

Buổi Hội thảo kết đã thành công tốt đẹp với rất nhiều kiến nghị được nêu ra, góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư. BTC Hội thảo sẽ gởi bản kiến nghị đến ban soạn thảo dự luật và các cơ quan có liên quan trên cơ sở tổng hợp các nội dung được trinh bày và thảo luận tại Hội thảo.

Nội dung: Phương Thảo

Hình ảnh: Phương Trinh

Ban Truyền thông Ulaw

 

--%>
Top