Hội thảo khoa học "Góp ý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)"

Ra đời hơn 10 năm, song Luật Cạnh tranh năm 2004 (có hiệu lực ngày 1/7/2005) chưa phát huy hiệu quả trong việc giám sát, quản lý các hoạt động cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì vậy, tháng 10/2017, Bộ Công thương đã trình Quốc hội sửa Luật nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Cạnh tranh 2004. So với luật cũ, dự thảo Luật lần này gồm 121 điều, trong đó giữ nguyên 06 điều, sửa đổi 66 điều, bổ sung 49 điều và bãi bỏ 49 điều.

Sáng ngày 30/3, tại phòng A905 cơ sở Nguyễn Tất Thành, Trường Đại học Luật TP.HCM đã tổ chức hội thảo khoa học “Góp ý Dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi)”. Hội thảo có sự tham dự của một số Đại biểu quốc hội, các đại diện của Cục quản lý cạnh tranh, các nhà nghiên cứu pháp luật, các luật sư và các đại diện doanh nghiệp. Ban chủ toạ hội thảo gồm PGS.TS Bùi Xuân Hải - Phó Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS Hà Thị Thanh Bình – Phó trưởng khoa Luật Thương mại và PGS.TS Phan Huy Hồng – Trưởng Bộ môn Luật Thương mại. 
.

 

Toàn cảnh Hội thảo

Cơ quan quản lý cạnh tranh, các hành vi cạnh tranh và các chủ thể trong cạnh tranh là các chủ đề được đề cập xuyên suốt hội thảo. Là người mở đầu, ông Nguyễn Minh Hồng, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế đã có đôi lời về mô hình làm việc của Uỷ ban cạnh tranh quốc gia. Ông cho rằng việc Uỷ ban trực thuộc Bộ Công thương là chưa thuận tiện và cần có sự thay đổi. Có ý kiến đồng tình với ông, cho rằng nên để Uỷ ban là một đơn vị độc lập hoặc thuộc một Bộ độc lập. Tuy nhiên, có ý kiến lại phản đối vì việc tách Uỷ ban khỏi Bộ công thương rất phức tạp và gây nhiều khó khăn cho việc quản lý hiện nay.

Là một người thường xuyên tiếp xúc với các hệ thống pháp luật nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, Luật sư Trần Xuân Chi Anh -  Công ty Rajah & Tann LCT Lawyers mang đến cái nhìn toàn cầu hơn dự thảo luật. Quan điểm của bà là việc quản lý cạnh tranh không nên giới hạn đối tượng áp dụng. Theo bà, hiện nay, Uỷ ban cạnh tranh quốc gia chỉ tác động lên những doanh nghiệp nước ngoài có văn phòng đại diện hay chi nhánh ở Việt Nam mà bỏ sót những doanh nghiệp có doanh thu tại Việt Nam thông qua các kênh bán lẻ, các đại lý hay công ty liên kết. Trong khi đó, họ có thể là đối thủ cạnh tranh trực tiếp đối với các doanh nghiệp trong nước cũng như các doanh nghiệp nước ngoài khác trên thị trường.

 

Nhiều chủ đề đã được thảo luận tại Hội thảo

Việc định nghĩa “doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường” cũng được bàn luận rất nhiều tại hội thảo. ThS Lê Hoàng Phong - Giảng viên Khoa Quản trị cho rằng con số 30% thị phần được xem là thống lĩnh thị trường hiện nay cần được giảm xuống để việc quản lý được tốt hơn. Tuy nhiên, Luật sư Trần Xuân Chi Anh lại cho rằng quy định như vậy là quá khắt khe và “không có quốc gia nào mà lại khó khăn như vậy”.  Bà cũng trích dẫn những con số cụ thể được quy định ở các quốc gia khác như 50% hay 70% trở lên.

Các chuyên gia cũng thảo luận sôi nổi về các chủ đề, gồm: mở rộng định nghĩa cho “nhóm doanh nghiệp có vị trị thống lĩnh thị trường”; mở rộng các quy định về những hình thức tập trung kinh tế (không chỉ bó hẹp trong bốn hình thức nêu trong luật) và xác định rõ mối quan hệ của Luật cạnh tranh với các ngành luật khác. Ngoài ra, một số ý kiến mới về hình thức tham vấn và hình thức mua bán, sáp nhập của doanh nghiệp cũng được đưa ra.

Bài: Vũ Uyên

Ảnh: Thủy Tiên

Ban Truyền thông ULAW

--%>
Top