Hội thảo khoa học “Giảng dạy luật so sánh trong bối cảnh hội nhập – kiến nghị về vị trí môn học tại Trường Đại học Luật TP.HCM”

Hiện nay trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, yêu cầu việc tiếp cận và xử lý các vấn đề pháp luật liên quan đến nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới ngày càng cao. Do đó, vai trò so sánh giữa các hệ thống pháp luật khác nhau, cũng như việc triển khai nghiên cứu và giảng dạy Luật so sánh theo phương pháp nào là hợp lý và hiệu quả trong bối cảnh hội nhập hiện nay là mục đích của buổi hội thảo cấp khoa, do Khoa Luật Quốc tế tổ chức vào sáng 14/6/2019 tại phòng A.901 cơ sở Nguyễn Tất Thành, trường Đại học Luật TP.HCM.

Các giảng viên khoa Luật Quốc tế cùng khách mời tham dự buổi hội thảo

Hội thảo được chủ trì bởi TS. Đỗ Thị Mai Hạnh – Trưởng Bộ môn Tư pháp quốc tế và Luật so sánh, cùng với sự tham gia của PGS.TS. Trần Việt Dũng - Trưởng khoa Luật Quốc tế và TS. Ngô Hữu Phước – Phó Trưởng khoa Luật Quốc tế, Thư ký Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường, cùng một số giảng viên khoa luật quốc tế và các sinh viên có quan tâm. Đặc biệt, hội thảo có sự góp mặt của 2 khách mời là TS. Trần Vân Long- Trưởng môn Luật quốc tế Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và ThS. Đoàn Nguyễn Phú Cường- giảng viên Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ.

 

TS. Đỗ Thị Mai Hạnh chủ trì hội thảo

Nhằm đáp ứng mục đích tổ chức buổi hội thảo, 7 bài tham luận của các Tiến sỹ, Thạc sỹ được trình bày để làm rõ cũng như đặt vấn đề cho các giảng viên và khách mời cùng nhau đưa ra những ý kiến trao đổi, tìm ra giải pháp phù hợp nhất xoay quanh chủ đề của Hội thảo. Nội dung của các bài tham luận đã trình bày bao gồm:

1. Vai trò của Luật so sánh và nội dung của môn học tại trường Đại học Luật TP.HCM- của TS. Đỗ Thị Mai Hạnh và GV. Nguyễn Thị Kim Duyên.

2. Dạy học Luật so sánh ở Khoa luật Đại học Kinh tế TP.HCM: Làm sao để đạt được mục đích môn học? – của TS. Trần Vân Long.

3. Mô hình giảng dạy Luật so sánh – của ThS. Đoàn Nguyễn Phú Cường.

4. Giảng dạy Luật so sánh ở một số cơ sở đào tạo Đại học chuyên ngành Luật tại Châu Á – của ThS. Ngô Kim Hoàng Nguyên.

5. Giảng dạy Luật so sánh ở một số quốc gia thuộc truyền thống thông luật – của NCS. ThS. Trần Ngọc Hà.

6. Giảng dạy Luật so sánh tại Cộng hòa Pháp, Hà Lan – Bài học kinh nghiệm cho trường Đại học Luật TP.HCM – của ThS. Nguyễn Thị Hằng, ThS. Trần Thị Ngọc Hà.

7. Một số kiến nghị về hoàn thiện nội dung giảng dạy Luật so sánh tại trường Đại học Luật TP.HCM trong bối cảnh hội nhập – của TS. Phan Hoài Nam và NCS.ThS. Trần Ngọc Hà.

Những trao đổi, góp ý tại buổi hội thảo được ghi nhận và giúp cho Khoa định hướng được khuynh hướng giảng dạy môn Luật so sánh phù hợp, thiết thực hơn

Sau những tham luận được trình bày, các giảng viên và khách mời đã cùng nhau trao đổi và thảo luận, cũng như đưa ra những ý kiến đề xuất những cách triển khai nghiên cứu và giảng dạy môn học Luật so sánh một cách hấp dẫn và hiệu quả nhất, đặc biệt tránh tình trạng việc giảng dạy quá nặng về kiến thức hàn lâm.

Những kết quả tiếp nhận trong hơn 3 tiếng đáp ứng được mục đích của việc tổ chức buổi hội thảo

Hơn 3 tiếng đồng hồ, hội thảo thu nhận những kết quả hữu dụng liên quan đến vấn đề sắp xếp lại chương trình của môn học cũng như kết cấu và nội dung của giáo trình sắp được Bộ môn triển khai trên cơ sở những kinh nghiệm từ các cơ sở đào tạo luật trong và ngoài nước mà các tác giả đã nghiên cứu và chia sẻ. Qua buổi hội thảo này, trong thời gian sắp tới Khoa sẽ thống nhất thiết kế hướng giảng dạy bộ môn theo hướng không chỉ chú trọng vào nội dung mà còn giúp cho sinh viên có được kỹ năng tự tìm hiểu luật của các nước khác thông qua việc nhấn mạnh hơn nữa về phương pháp so sánh và vận dụng phương pháp so sánh vào các tình huống nghiên cứu một cách cụ thể

                                                                             Nội dung: Đỗ Thư

                                                                             Hình ảnh: Thùy Liên

                                                                             Ban truyền thông Ulaw

         

 

 

 

 

 


--%>
Top