Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)"

Nhằm tạo diễn đàn cho các cán bộ quản lý GD, các thầy cô giáo, các luật sư, luật gia, các chuyên gia nghiên cứu về giáo dục và đại diện 1 số cơ quan, ban ngành đoàn thể cùng nhau thảo luận, đóng góp ý kiến cho Dự thảo Luật GD (sửa đổi), Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia "Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)" với mong muốn nhận được nhiều ý kiến khoa học có giá trị để tổng hợp gửi đến các cơ quan có thẩm quyền.

 

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, học giả, chuyên gia, thầy, cô giáo cùng các cơ quan thông tấn báo chí

Sáng ngày 28/12/2018, Trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức Hội thảo Khoa học cấp quốc gia “Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi)”. Về phía Bộ Giáo dục & Đào tạo có sự tham dự của một số thành viên Bạn soạn thảo Luật GD (sửa đổi) đồng thời là lãnh đạo các Vụ, Cục, như TS. Nguyễn Đức Cường - Phó vụ trưởng Vụ pháp chế, ông Phạm Xuân Hậu - Phó vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ, TS. Tạ Ngọc Trí - Phó vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học..., TS. Khiếu Thị Nhàn – Chánh văn phòng Chương trình KHGD; ông Đặng Văn Lợi - Ủy ban VHGDTNTNNĐ của Quốc hội… Hội thảo cũng nhận được sự quan tâm của các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, học giả, chuyên gia trong nước như NGND. GS.TS. Phạm Phụ - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Sư Phạm TP.HCM, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - Nguyên phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, TS. Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục, TS. Phạm Thị Ly - thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực cùng một số thầy cô là Hiệu trưởng các trường công lập, tư thục và quốc tế như hệ thống trường Trí Đức, Việt Úc; lãnh đạo một số hội luật gia, hội cựu giáo chức, hội khuyến học, mặt trận tổ quốc … và các khách mời khác.

Hội thảo tập trung vào lấy ý kiến góp ý ở các vấn đề sau:

  • Về quy định triết lý giáo dục
  • Về đầu tư cho giáo dục, trách nhiệm của nhà nước
  • Về nhà giáo
  • Về người học
  • Về chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa
  • Về liên thông, phân luồng
  • Về thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học
  • Về vấn đề tự chủ của cơ sở giáo dục
  • Về quản lý nhà nước
  • Về quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục và kiểm định chất lượng giáo dục
  • Về kỹ thuật lập pháp

 

PGS.TS Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu khai mạc Hội thảo

Khai mạc Hội thảo, PGS.TS Bùi Xuân Hải phát biểu: “Điều 61 của Hiến pháp 2013 đã khẳng định rằng: Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Luật Giáo dục hiện hành được Quốc hội thông qua vào năm 2005, đến nay sau 13 năm thi hành, đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập, chưa đáp ứng được đòi hỏi của công cuộc đổi mới về căn bản và toàn diện giáo dục đào tạo ở nước ta nhằm đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Bên cạnh những thành tựu to lớn, đáng tự hào của ngành giáo dục, như Nghị quyết số 29 của Đảng đã chỉ ra, chất lượng giáo dục đào tạo nước ta còn thấp so với yêu cầu”.

 

Chủ tọa (từ trái qua):TS. Nguyễn Đức Cường, PGS.TS Bùi Xuân Hải, PGS.TS Nguyễn Kim Hồng

Trước khi bắt đầu thảo luận, PGS.TS Nguyễn Đức Cường đã khái quát sơ lược những điểm mới cơ bản trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) và 11 vấn đề muốn xin ý kiến Hội thảo.

 

PGS.TS Nguyễn Đức Cường trình bày khái quát những sửa đổi dự kiến đối với Luật Giáo dục. 

Sau đó, Hội thảo đã có gần 20 ý kiến trao đổi, tranh luận của các nhả quản lý, nhà giáo, hiệu trưởng các trường, chuyên gia về GD và các luật gia, luật sư …. xung quanh 11 chủ đề trọng tâm của Hội thảo như các ý kiến của  PGS.TS Nguyễn Kim Hồng, NGND. GS.TS Phạm Phụ, TS. Phạm Thảo Ly, ThS. Hồ Sỹ Anh, PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa, PGS.TS Nguyễn Văn Vân, TS. Ngô Văn Nhơn; bà Nguyễn Thị Mai Hoa, ông Phan Ngọc Liêm

 

GS.TS Phạm Phụ “hâm nóng” bầu không khí với những nhận xét rất thực tế về vấn đề tài chính giáo dục và hội đồng trường. Giáo sư cho rằng, chuyện tài chính, với 20% GDP dành cho Giáo dục là con số “quá ổn”, nhưng phân bố cụ thể như thế nào mới là vấn đề.

 

TS. Phạm Thị Ly cho rằng nên giảm áp lực từ kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia

 

TS. Ngô Văn Nhơn trình bày góp ý về kiểm định giáo dục, với quy tắc ba bên của quốc tế

Buổi Hội thảo đã là diễn đàn để các chuyên gia chia sẻ, góp ý và tranh luận sôi nổi nhằm đưa ra các quan điểm đánh giá khách quan, khoa học và thực tiễn đối với Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi).

TS. Nguyễn Kim Dung - Viện trưởng Viện nghiên cứu giáo dục trình bày ý kiến tại Hội thảo

Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia và các nhà khoa học cũng đã trao đổi, tranh luận sôi nổi về triết lý giáo dục, về mô hình giáo dục tại gia (home schooling), về kì thi trung học phổ thông quốc gia, về vấn đề tài chính giáo dục, vấn đề nhà giáo….v.v.

 

Các khách mời và đại diện nhà trường chụp ảnh lưu niệm.

Phát biểu kết luận và kết thúc hội thảo, PGS.TS. Bùi Xuân Hải – Phó Hiệu trưởng Nhà trường khẳng định về cơ bản các ý kiến đồng thuận với Dư thảo Luật GD (sửa đổi), nhưng vẫn còn 1 số vấn đề có quan điểm khác nhau; PGS. Bùi Xuân Hải cũng gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các khách mời và người tham dự, hy vọng các ý kiến đã trình bày và trao đổi hôm nay sẽ được Ban soạn thảo tham khảo, xem xét, đồng thời khẳng định Nhà trường và đặc biệt là Nhóm NC của Nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia “Luận cứ khoa học sửa đổi, bổ sung Luật GD”, luôn sẵn sàng hỗ trợ  Ban soạn thảo Luật GD (sửa đổi) trong khả năng và chuyên môn của mình.

Bài: Hoàng Thu

Ảnh: Phương Linh

Ban Truyền thông ULaw 

--%>
Top