Chuỗi Tọa đàm các chuyên đề nghiên cứu của Đề tài NCKHQG về Luật Giáo dục

Sáng ngày 17/09/2020, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức “Chuỗi Tọa đàm về các chuyên đề nghiên cứu của Đề tài Nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia về Luật Giáo dục” tại phòng họp A.905, cơ sở Nguyễn Tất Thành.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Chủ trì buổi tọa đàm là PGS.TS Bùi Xuân Hải – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Nhà trường, cùng với sự tham gia của lãnh đạo các Khoa, đơn vị, khách mời và thành viên của nhóm nghiên cứu khoa học của nhà trường.

Mở đầu buổi tọa đàm, thay mặt nhóm nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Văn Vân thông qua báo cáo tổng kết cho toàn bộ đề tài nghiên cứu khoa học cấp Quốc gia về Luật Giáo dục. Báo cáo đã tổng kết lại các nội dung của nhiệm vụ nghiên cứu, giới thiệu bối cảnh, tính cấp bách, sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Giáo dục trong thời đại hội nhập hóa hiện nay đồng thời nhằm thể chế hóa tinh thần các Nghị quyết của Đảng. Cùng với đó, báo cáo cũng đưa ra ý nghĩa lý luận, thực tiễn, mục tiêu của nhiệm vụ nghiên cứu.

PGS.TS Nguyễn Văn Vân cũng nhấn mạnh rằng: “Trong việc thực hiện nghiên cứu này thì  nhiệm vụ hỗ trợ ban thư ký, ban soạn thảo để hoàn tất Dự án Luật để trình cho Quốc hội cũng là một trong những mục tiêu quan trọng, ưu tiên được đề ra”.

PGS.TS Nguyễn Văn Vân trình bày mục tiêu của nhiệm vụ nghiên cứu

ThS. Hồ Sỹ Anh – tác giả của nhiều bài báo về lĩnh vực nghiên cứu luật bày tỏ quan điểm: “Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực và không chỉ tác động đến giáo dục mà còn tác động đến tất cả hoạt động của Nhà nước, của xã hội, rất rộng lớn. Vì vậy, các đề án, dự án phát triển giáo dục đều phải đối chiếu thật cẩn thận… Bên cạnh đó, nhiệm vụ nghiên cứu quan trọng nhất là cách tiếp cận.”                                                     ThS. Hồ Sỹ Anh với những ý kiến đóng góp của mình đã giúp buổi tọa đàm diễn ra rất sôi nổi

Tiếp tục buổi tọa đàm là báo cáo chuyên đề về vấn đề cơ sở lý luận và cơ sở thực tiễn. Báo cáo đã nêu ra những vấn đề mà Luật Giáo dục 2019 còn bỏ ngõ, những nội dung cần tiếp tục nghiên cứu.

Sau phần thảo luận sôi nổi của các thầy cô, buổi tọa đàm kết thúc tốt đẹp. Những ý kiến, quan điểm được trao đổi và đúc kết sẽ tiếp tục góp phần hoàn thiện hơn Luật Giáo dục 2019.

Nội dung: Phương Thảo

Hình ảnh: Ngọc Thắng

Ban Truyền thông Ulaw

--%>
Top